Chính sách khuyến khích doanh nghiệp dám làm

- Thứ Hai, 13/05/2019, 07:35 - Chia sẻ
Rào cản về thuế và tư duy quản lý cũ đang khiến doanh nghiệp công nghệ dù đầy đủ nguồn lực, thừa quyết tâm, nhưng vẫn không dám làm. Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân cho rằng, cần có ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp công nghệ; đồng thời, để tạo cơ chế cho doanh nghiệp được làm, dám làm mà vẫn kiểm soát được thì mỗi bộ, ngành nên tách kinh tế số khỏi quản lý.

Không dám tăng tốc vì chính sách

 “Nhìn vào mô hình doanh nghiệp công nghệ, thực chất có 2 nhóm là start-up đi lên hoặc là đã thành công ở lĩnh vực khác chuyển sang công nghệ. Như vậy, hệ thống chính sách cần tập trung cho cả 2 nhóm này. Riêng đối với nhóm start-up quy mô nhỏ, Nhà nước cần khuyến khích bằng chính sách thuế. Thế nhưng, để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thì giấy tờ rất khó khăn. Ngược lại, các chính sách ưu đãi thuế mà chúng ta đang dành cho doanh nghiệp nước ngoài lại rất tốt, rất nhanh”.

Ông Nguyễn Xuân Thành,
Trường Chính sách công và quản lý Fulbright

Theo Tổng Giám đốc Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân, những công ty hàng đầu thế giới đều là công ty công nghệ, như Google, Facebook, Amazon... Họ đứng đầu cả về số người dùng, doanh số, tầm ảnh hưởng, giá trị thị trường, làm ra những sản phẩm dịch vụ hoàn toàn mới, giải quyết vấn đề mới... “Việt Nam hoàn toàn làm được!” - ông Tân khẳng định và dẫn chứng: Doanh nghiệp Việt Nam đã có thể sản xuất tự động hóa 4.0 (Vingroup), làm thiết bị mạng 5G (Viettel). Đặc biệt, trong mảng nội dung số, doanh nghiệp Việt Nam (VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ) có đủ thực lực và sức mạnh để cạnh tranh với tổng nhân lực khoảng 50.000 người; doanh số 500 triệu - 1 tỷ USD và có thể còn phát triển; công nghệ tuy kém so với Google, Facebook nhưng là tốp đầu thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Song, trên thực tế, các doanh nghiệp công nghệ vẫn đang gặp rào cản về thuế lẫn tư duy quản lý cũ. Ông Tân phân tích, chính sách cho công ty công nghệ vẫn đang ở mức kém nhất. Ở Trung Quốc, doanh nghiệp công nghệ hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế âm; ở Mỹ, Amazon lợi nhuận hàng tỷ USD nhưng đóng thuế 0 đồng; trong khi ở Việt Nam, các doanh nghiệp này phải chịu mức thuế 15 - 20% doanh thu, chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều loại hình kinh doanh mới lại chưa có quy định, hoặc bị buộc phải tuân thủ theo quy định cũ, tư duy quản lý cũ. Trường hợp của Grab là minh chứng điển hình, khi nhà quản lý muốn xe Grab phải gắn mào như taxi truyền thống. Chính những điều này khiến doanh nghiệp công nghệ dù “rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm, thừa quyết tâm để làm, nhưng không dám làm, không dám chạy hết tốc lực, không dám huy động lực lượng xã hội, vì nghi ngại”, ông Tân nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhìn nhận, xu hướng toàn cầu hiện nay là công nghệ và doanh nghiệp công nghệ. “Sự đi lên và lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ cho phép các nền kinh tế không phải đi theo từng bước trong cả lộ trình 30 - 50 năm để chuyển từ nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng không ngoại lệ”.

Ông Thành nhấn mạnh thêm, mặc dù Singapore vẫn là trung tâm nhưng những cụm ngành đổi mới đang hình thành trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã trở thành điểm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế. Các cụm ngành đổi mới và doanh nghiệp công nghệ đòi hỏi sự hỗ trợ của một hệ sinh thái start-up. Song, “trong các trụ cột về năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì năng lực đổi mới được đánh giá là yếu nhất”, ông Thành chỉ rõ.

Chính sách quản lý khiến doanh nghiệp công nghệ không dám tăng tốc Nguồn: Báo Giao thông

Thúc đẩy phát triển thay vì thu thuế cật lực

Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của các cụm ngành đổi mới và doanh nghiệp công nghệ, theo chuyên gia Fulbright, cần bảo đảm các điều kiện nhân tố là nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, yếu tố tài chính. “Kinh nghiệm của các nước, kể cả trong khu vực, là cho phép sinh viên, học sinh phổ thông được tự tìm kiếm, đăng ký chương trình học trên internet của các công ty start-up. Các chứng chỉ đó đều được công nhận. Bản thân các trường đại học, cơ sở đào tạo cũng không bị ràng buộc bởi chương trình cứng nhắc, áp đặt từ trên xuống, mà cần được tự do liên kết với doanh nghiệp công nghệ”, ông Thành đề xuất.

Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân cho rằng, cần có ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp công nghệ. “Chính sách thuế phải hướng đến phát triển doanh nghiệp công nghệ một cách rực rỡ chứ không phải tìm cách thu cật lực”. Đồng thời, cần coi nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường trong nước, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm (dịch vụ) công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing).

Ông Tân cũng đề xuất, để tạo cơ chế cho doanh nghiệp được làm, dám làm mà vẫn có thể quản lý, kiểm soát được, mỗi bộ, ngành đều tách riêng kinh tế số ra khỏi quản lý, chẳng hạn tách riêng taxi điện tử để tránh cái cũ kéo lùi cái mới. Đối với nhóm chưa rõ ràng thì nên khoanh quy mô lại, chẳng hạn đối với tiền điện tử chỉ nên cho phép mỗi người được giao dịch 1 triệu đồng/ngày…

Cho rằng “tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ là dữ liệu, dữ liệu là tài nguyên quốc gia”, Tổng Giám đốc Be Group Trần Thanh Hải đề xuất “các doanh nghiệp Việt cần làm chủ được tài nguyên này”. Tuy nhiên, chính sách và điều kiện kinh doanh áp dụng cho các start-up còn khắt khe, trong khi một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước. “Nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ”, ông Hải cảnh báo. Do vậy, để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, trong đó “phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ”.

Đan Thanh