Chính sách đất đai cản trở đầu tư vào nông nghiệp

- Thứ Sáu, 25/10/2019, 07:41 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn nông nghiệp mùa thu 2019 chủ đề: “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ngày 24.10, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, chủ trương tập trung ruộng đất ở nước ta đặt ra nhiều năm nay nhưng kết quả không như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường đất nông nghiệp chưa phát triển do các bất cập trong chính sách hiện hành.

Năng suất sử dụng đất chỉ đạt 1.000 USD/ha

Theo đại diện VEPR, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người của Việt Nam thấp nhất thế giới, chỉ ở mức 0,25ha trong khi thế giới là 0,52ha và khu vực là 0,36ha. Nền nông nghiệp nước ta phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Không chỉ vậy, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) Trần Công Thắng cho biết năng suất sử dụng đất ở nước ta cũng rất thấp, chỉ khoảng 1.000USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, thậm chí là 1/3 của Indonesia và Thái Lan. Đóng góp của đất đai cho tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm. Số doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với 10 - 50 lao động. Doanh thu bình quân của doanh nghiệp nông nghiệp chỉ đạt 3,6 tỷ đồng/năm.

Hiện có nhiều rào cản chính sách trong tập trung đất nông nghiệp khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Những ví dụ mà Viện trưởng IPSARD Trần Công Thắng nêu ra là: mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác (2% thuế thu nhập cá nhân); doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp, còn doanh nghiệp nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Ngoài ra, quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được bảo đảm như các loại đất khác do chưa có sở hữu. Đến nay cũng chưa có quy định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt giữa các loại đất trong nội bộ ngành nông nghiệp và chưa có quy định rõ vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp quy mô lớn của nông dân.

Phải coi đất đai là hàng hóa

Tại diễn đàn, một số ý kiến đề xuất bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay là mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến. Viện trưởng IPSARD Trần Công Thắng cho rằng cần quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa, đồng thời giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp,  Cùng với đó, xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển giao đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất theo nhiều hình thức (chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, hợp tác kinh doanh…). Thiết lập hệ thống quản lý đất điện tử cung cấp thông tin số hóa về quyền sử dụng đất và giao dịch nhằm minh bạch thị trường đất nông nghiệp.

“Về lâu dài, để phát triển nông nghiệp cần giải quyết 3 vấn đề”, ông Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP. Hồ Chí Minh nói. Một là, phải tạo ra một thế hệ nông dân “lớn”, dám nghĩ, dám làm. Hai là, biến nông dân thành thị dân một cách bền vững, sẵn sàng bán và cho thuê quyền sử dụng đất. “Làm sao để số nông dân chỉ chiếm 10% dân số, khi đó mới có nguồn cung đất đai. Thực tế cho thấy, khi các khu công nghiệp mọc lên, nông dân bỏ nông nghiệp để làm cho khu công nghiệp, nhưng đến 40 - 45 tuổi bị sa thải họ lại nghĩ quay về ruộng đất. Điều này có nghĩa, ruộng đất không còn là tư liệu sản xuất mà trở thành của để dành thì không thể có thị trường đất đai lành mạnh”. Ba là, khung pháp lý phải theo thị trường, không coi đất đai là phương tiện giải quyết vấn đề an sinh xã hội mà coi đất đai là hàng hóa. “Quyền sử dụng đất đai là hàng hóa trao đổi theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Khi đó, chúng ta mới giải quyết được bài toán nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng” ông Khải nói.

Tuệ Anh