Chính sách cần sát thực tế để thành “đòn bẩy” cho thị trường

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:31 - Chia sẻ
Trong khi doanh nghiệp bất động sản mong chờ chính sách tháo gỡ được khó khăn thì các văn bản mới ban hành lại khiến họ “vấp” phải những quy định mới còn khó khăn hơn. Tại diễn đàn “Bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường” ngày 9.7, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, các chính sách cần sát với thực tế hơn để thực sự là “đòn bẩy” cho thị trường.

Khó khăn chồng chất 

Tại diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, ngành bất động sản được ví như chỉ báo của kinh tế quốc gia. Nó tác động mạnh mẽ đến hơn 200 ngành nghề, hàng triệu lao động có liên quan trực tiếp và đóng góp khoảng 10% cho GDP. Vì vậy sự suy giảm hay hồi phục của thị trường này tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của dịch Covid-19, nhiều dự án dừng hoãn, những chồng chéo về pháp luật cản trở gia tăng nguồn cung trong khi nhu cầu vẫn cao, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho bất động sản cũng giảm mạnh trong những tháng qua. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh 94% trong quý I.2020, tồn kho bất động sản tăng. “Thị trường bất động sản đang đứng trước giai đoạn khó khăn. Cần bàn các giải pháp phát triển thị trường này để góp phần kích hoạt quá trình phục hồi nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.

Thẳng thắn trao đổi về những vướng mắc trong chính sách, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, sự hỗ trợ quan trọng nhất mà doanh nghiệp mong chờ là được gỡ rối về cơ chế chính sách đang khiến nhiều dự án bị ách tắc. Thế nhưng, Luật Quy hoạch lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. “Nếu muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Dự án năm 2020 thực hiện lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó do đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược. Điều này khiến doanh nghiệp "bó tay", ông Hiệp nói.

          “Ngành bất động sản rất nhạy cảm với thay đổi chính sách”. Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, lĩnh vực này liên quan tới hơn 10 luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, các luật liên quan tới thuế, phí… Trong khi các doanh nghiệp bất động sản mong chờ chính sách tháo gỡ được khó khăn thì các văn bản mới được ban hành lại khiến họ “vấp” phải những quy định mới còn khó khăn hơn. “Chẳng hạn, có những trường hợp, chủ đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng chi phí huy động cho dự án, và có cam kết với đối tác là doanh nghiệp hoặc người mua nhà. Nhưng khi văn bản mới có hiệu lực lại làm tăng chi phí lên rất nhiều khiến nhà đầu tư “vỡ trận”, nhiều dự án đổ bể. Những vướng mắc về cơ chế chính sách như thế này khiến nhiều dự án kéo dài nhiều năm không thực hiện được”.

Nguồn: ITN

Đợi 5 năm mới đánh giá… doanh nghiệp không thể sống sót

Ông Hà cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn đại dịch hiện nay như giảm lãi suất, chậm nộp kéo dài khoảng 12 tháng hay tạm hoãn việc ký quỹ để cho phép dự án đầu tư… Các doanh nghiệp kỳ vọng, với sự hỗ trợ từ Chính phủ, những nhà đầu tư đủ tự tin kiểm soát tài sản và tiềm lực tài chính sẽ tận dụng cơ hội để tạo nguồn cung dồi dào với giá bán giá tốt. Tuy nhiên, ông Hà nhấn mạnh, các chính sách liên quan đến bất động sản cần phải sát thực tế để thực sự là “đòn bẩy” cho thị trường. Ngoài ra, trên thực tế có những văn bản 6 tháng mới có hiệu lực, nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp. Vì vậy, ông Hà kiến nghị, những văn bản có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp có thể có hiệu lực ngay, còn văn bản nào có tác động lớn tới doanh nghiệp cần có khoảng thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị.

Nhấn mạnh các chồng chéo trong chính sách đất đai, xây dựng gây khó khăn cho doanh nghiệp cần được tháo gỡ để trở thành động lực phát triển của lĩnh vực đầu tư, xây dựng, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, “tất cả các luật vừa được ban hành đều có thể xem xét sửa đổi, theo hướng một luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh; 1 nghị định sửa nhiều nghị định; 1 thông tư sửa nhiều thông tư. Nếu đợi 5 năm sau đánh giá kết quả, tác động mới sửa thì doanh nghiệp không sống sót”, ông Lộc nói.

Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Gamuda Land HCM cho biết, những chính sách đầu tư nước ngoài và các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động đang mở ra nhiều cơ hội. So với các nước khác, hoạt động tại Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn sau đại dịch Covid-19. "Bên cạnh đơn giản thủ tục hành chính, chúng tôi mong muốn việc minh bạch các chính sách pháp luật, đồng thời các quy định về phê duyệt đầu tư nhanh chóng hơn sẽ là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường này", ông Dennis Ng Teck Yow bày tỏ.

Phản hồi ý kiến của các hiệp hội và các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, sớm đưa các dự án đầu tư vào triển khai thực hiện. Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản như cân đối thêm nguồn vốn và giải quyết vướng mắc của phân khúc nhà ở xã hội… 

Tuệ Anh