Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang

Chính phủ cần quyết liệt đàm phán

- Thứ Ba, 17/09/2019, 08:01 - Chia sẻ
Tại cuộc họp giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về giải pháp ứng phó trước quy định hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều qua, các đại biểu cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Ấn Độ vi phạm cam kết quốc tế. Do đó kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc đàm phán để Ấn Độ hoãn thời gian thi hành, bởi “chúng ta đang ở thế có lý”.

Nhiều dấu hiệu vi phạm cam kết

Liên quan đề xuất của doanh nghiệp rằng Chính phủ nên hạn chế xuất khẩu máy móc và nguyên liệu làm hương sang Ấn Độ để bảo hộ sản xuất trong nước, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng “rất khó” trong bối cảnh tự do hóa thương mại hiện nay. Ông khuyến cáo, do chưa có hiệp hội nên các doanh nghiệp trong ngành có thể tự thỏa thuận với nhau.

“Trước khi tổ chức cuộc họp này, chúng tôi có hỏi đại diện doanh nghiệp là có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi Thông báo số 15/2015-2020 của Ấn Độ. Các anh ấy nói rằng khoảng 100 doanh nghiệp. Như vậy thì ít quá! Nhưng hỏi ra mới thấy, các doanh nghiệp này chủ yếu làm thương mại, đằng sau đó là hàng chục nghìn lao động gia công sản phẩm, chủ yếu sống ở nông thôn vốn không thể làm nghề khác. Như vậy, đối tượng chịu tác động lâu dài chính là những lao động này”. Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập VCCI Nguyễn Thị Thu Trang mở đầu phiên họp để minh chứng cho sự “khá nghiêm trọng” của vấn đề.

Sự nghiêm trọng này được bà Trang chỉ ra còn bởi “có nhiều dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đã vi phạm các cam kết quốc tế”. Cụ thể, Điều 11 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) quy định: Trừ các biện pháp thuế quan và khoản thu khác thì nước nhập khẩu không được áp dụng bất kỳ biện pháp cấm hay hạn chế nào dù ở hình thức hạn ngạch hay giấy phép nhập khẩu, trừ trường hợp liệt kê. “Mà trường hợp này chỉ duy nhất là sản phẩm nông sản, thủy sản và chỉ áp dụng để bảo đảm cho sản xuất trong nước trước các vấn đề dịch bệnh, khan hiếm. Song, hương nhang không phải là sản phẩm nông sản và thủy sản”.

Bên cạnh đó, Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu trong WTO quy định, trong trường hợp áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu bằng giấy phép phải thông báo công khai mọi quy định, thông tin liên quan trong thời hạn 21 ngày trước khi có hiệu lực. Đằng này, phía Ấn Độ ra Thông báo số 15 ngày 31.8 và có hiệu lực ngay lập tức là không tuân thủ đúng cam kết của WTO!

Hiệp định thương mại giữa ASEAN - Ấn Độ cũng nói rõ không được tạo ra hoặc duy trì bất kỳ biện pháp phi thuế quan nào đối với việc nhập khẩu từ đối tác, trừ các trường hợp được phép bởi WTO. Hiệp định cũng yêu cầu phải bảo đảm tính minh bạch của biện pháp phi thuế quan để khi áp dụng sẽ hạn chế tối đa hệ quả là bóp méo thương mại. Tuy nhiên, Thông báo 15 không có tiêu chí cấp phép, thời hạn…

Bà Trang bổ sung, ngay trong Luật Chính sách ngoại thương 2015 - 2020 của Ấn Độ cũng quy định căn cứ để xem xét đưa một mặt hàng nào đó vào diện hạn chế nhập khẩu, gồm: Để bảo vệ đạo đức công cộng; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và động vật nuôi; chống lại biện pháp vi phạm sở hữu trí tuệ; chống sử dụng lao động tù nhân; bảo vệ giá trị tôn giáo, văn học - nghệ thuật của Ấn Độ. “Chưa kể mặt hàng hương nhang mới được bổ sung, có 428 mặt hàng rơi vào các trường hợp vừa liệt kê. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định này, chúng tôi không hiểu phía Ấn Độ dựa vào đâu để ban hành Thông báo số 15”.

Theo bà Trang, chúng ta chỉ ra vi phạm của Ấn Độ không phải để kiện, mà để cho thấy chúng ta có căn cứ hợp lý khi đàm phán.


Ảnh: H. Loan

“Chúng ta đang ở thế có lý”

Thực tế, từ ngày 6.9, Bộ Công thương đã có nhiều hành động như gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang, gửi công thư tới Bộ trưởng Bộ Công thương Ấn Độ, làm việc với đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải thừa nhận “chúng ta vẫn phải chờ đợi” vì “đến thời điểm này chưa có kết quả rõ ràng”.

Đại diện Bộ Công thương cam kết, sau cuộc họp này sẽ báo cáo lên lãnh đạo Bộ “để có biện pháp quyết liệt hơn”. Trong đó, sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để đưa vấn đề này lên cấp độ cao hơn, thể hiện phản ứng quyết liệt hơn của phía Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ sẽ thông qua Đại sứ quán và cơ quan thương vụ tại Ấn Độ bám sát vụ này để thúc ép phía Ấn Độ sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, ông Hải nhấn mạnh chúng ta cũng phải tận dụng các đối tác liên quan, trong đó có các doanh nghiệp nhập khẩu của Ấn Độ cùng tham gia.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc đàm phán với Ấn Độ để hoãn thời gian thi hành Thông báo số 15 ít nhất từ 2 - 4 tháng để có thời gian chuẩn bị và bố trí sản xuất hợp lý; nhanh chóng cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ và trong lâu dài dừng hiệu lực thông báo này.

Lấy dẫn chứng đến thời điểm này, trong WTO, Ấn Độ có 8/48 vụ kiện liên quan giấy phép nhập khẩu và “có vẻ yếu thế trong cả 8 vụ” khi 2 vụ đã dừng lại ngay trong lúc tham vấn, 6 vụ hòa giải không có kết quả ai đúng ai sai, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập VCCI Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng “có niềm tin” để Ấn Độ dừng thực hiện thông báo này. “Đây là một trong những dấu hiệu để chúng ta có niềm tin rằng nếu các cơ quan Nhà nước có phản đối quyết liệt, trao đổi với Ấn Độ thì sẽ có triển vọng, vì chúng ta đang ở thế có lý”, bà Trang nói.

Đan Thanh