Chính danh cho Đoàn ĐBQH

- Thứ Ba, 28/04/2020, 18:52 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi) và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi) về tổ chức, hoạt động của Đoàn ĐBQH đã có sự tiếp thu và bổ sung nhiều ý kiến của ĐBQH, trong đó, ghi nhận địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH là tổ chức của các ĐBQH được bầu hoặc chuyển đến tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực tế hoạt động của Đoàn ĐBQH thời gian vừa qua đã đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của QH, trở thành một thiết chế đặc thù của QH, ĐBQH tại địa phương. Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 43 dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH lại không thể hiện theo tinh thần này mà quy định Đoàn ĐBQH chỉ có nhiệm vụ tổ chức cho các ĐBQH làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, quy định như vậy sẽ không làm rõ được thẩm quyền, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH với tư cách là tổ chức của các ĐBQH tại địa phương.

Đoàn ĐBQH được thành lập theo luật, Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn ĐBQH được UBTVQH phê chuẩn. Trong nhiều hoạt động thực tế, Đoàn ĐBQH đã tổ chức thảo luận và quyết định tập thể nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch, chương trình công tác, chương trình giám sát, các kiến nghị, đóng góp xây dựng luật, ban hành nhiều văn bản do Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn ký. Như vậy, Đoàn ĐBQH hoạt động là chính danh, không những không làm hạn chế quyền của ĐBQH trong Đoàn mà thực tế, quyền của ĐBQH thông qua hoạt động của Đoàn đã được thực hiện hiệu quả hơn. Đoàn ĐBQH cũng không làm thay nhiệm vụ của ĐBQH. Do đó, cũng không có căn cứ để lo ngại ĐBQH dựa dẫm vào hoạt động của Đoàn ĐBQH. Tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH theo hướng: trong xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH có thể được quyền trình dự án luật và hỗ trợ sáng kiến xây dựng luật của ĐBQH; Đoàn ĐBQH được tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật tại địa phương và được quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến địa phương.

Minh Vân