Chiến thắng sẽ về tay ứng viên đảng cầm quyền?

- Thứ Bảy, 27/07/2013, 08:01 - Chia sẻ
Mới đây, Tòa án Tối cao Pakistan vừa đổi lại ngày bầu cử tổng thống của nước này, yêu cầu ủy ban bầu cử tổ chức cuộc bỏ phiếu vào tuần sau 30.7 thay vì ngày 6.8 như dự kiến. Cuộc bầu cử này hứa hẹn sẽ chọn được vị tổng thống thứ 12 đủ mạnh để đương đầu với những thách thức trong và ngoài chính trường Pakistan.

Ông MamnoonHussain (giữa) của đảng PML-N nhiều khả năng trở thành tân tổng thống Pakistan
  Nguồn: AP

Theo dự kiến, Ủy ban bầu cử sẽ ủng hộ đề xuất của tòa. Phán quyết trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nghị sỹ Pakistan, những người sẽ bầu chọn nhân vật kế nhiệm Tổng thống Asif Ali Zardari, có kế hoạch hành hương hay tham gia các buổi cầu nguyện vào ngày 6.8 nhân tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Asif Ali Zardari sẽ chấm dứt vào tháng 9, và ông không tái tranh cử. Theo hiến pháp Pakistan, bầu cử Tổng thống phải được tổ chức ít nhất 30 ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống. Hiện quyền hạn của Tổng thống đã  bị thu hẹp hơn sau khi Quốc hội Pakistan thông qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 2010, qua đó trao quyền nhiều hơn cho Thủ tướng. Thực tế mà nói, chức tổng thống ở Pakistan không có nhiều thực quyền mặc dù tổng thống đương nhiệm Asif Ali Zardari đã tạo được ảnh hưởng đáng kể trong nhiệm kỳ qua. 

Ứng cử viên của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N) cầm quyền của Thủ tướng Nawaz Sharif, ông Mamnoon Hussain đã nộp đơn ứng cử ngày 24.7, để cạnh tranh với Thượng nghị sỹ Raza Rabbani thuộc đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của Tổng thống Zardari. Ngoài ra còn có ứng cử viên khác là cựu thẩm phán Wajihuddin Ahmed của đảng Phong trào và Công lý (PTI). Tại Pakistan, tổng thống được bầu gián tiếp bởi Đoàn Bầu cử gồm 2 viện của Quốc hội và 4 hội đồng tỉnh là Punjab, Sindh, Khyber Pakhtunkhwa và Baluchistan. Cuộc bầu cử sẽ được bỏ phiếu kín và kết quả chính thức được xác nhận vào ngày hôm sau.

Nhà phân tích chính trị Hasan Askari Rizvi nhận định, ông Hussain có nhiều khả năng thắng cử vì đảng PML - N chiếm đa số tại Quốc hội và trong hội đồng Punjab, tỉnh lớn nhất nước này (chiếm 56% dân số Pakistan). The PML - N cũng chiếm đa số tại tỉnh tây nam Baluchistan. Các đảng đối lập có thể giữ nhiều ghế hơn đảng cầm quyền và các đồng minh ở tỉnh Sindh và Khyber Pakhtunkhwa, nhưng số lượng đó không đủ lớn để cản bước ông Hussain bước vào dinh tổng thống. 

Vốn là cựu tỉnh trưởng tỉnh miền nam Sindh, ông Hussain là đồng minh thân cận của Thủ tướng Nawaz Sharif ngay cả khi ông này bị tướng  Pervez Musharraf lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu và phải sống lưu vong. Nên sau khi  trở về nắm quyền sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 vừa qua,  ông Sharif đã quyết định chọn người trung thành với mình làm ứng viên tổng thống.  Hơn nữa, quyết định chọn Hussain còn là vì Thủ tướng muốn một vị tổng thống đến một tỉnh nhỏ như Sindh để chống lại những chỉ trích rằng ông chỉ ưu ái các chính trị gia của tỉnh quê nhà.  Ông Hussain đã cam kết sẽ là một vị Tổng thống “vì toàn thể nhân dân” và sẽ rời bỏ PML - N nếu đắc cử. Tuyên bố này cho thấy ông Hussain không muốn lặp lại tình trạng của đương kim Tổng thống Asif Ali Zardari vốn bị chỉ trích nặng nề vì cùng lúc vẫn giữ chức Chủ tịch đảng PPP.

Trong khi đó, đối thủ nặng ký nhất đến từ PPP có phần yếu thế hơn mặc dù ông Rabbani là một trong những chính trị gia được kính trọng bậc nhất Pakistan vì đảng này đã chịu thất bại lớn trước PML - N trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Lúc đó, PML - N giành được 124 trên tổng số 272 ghế trong khi đối thủ sát sườn nhất là PPP chỉ giành được có 31 ghế.

Dẫu vậy, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào những lá phiếu của cử tri Pakistan vào ngày 30.7 tới.  Và dù nhân vật nào giành chiến thắng thì cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Hơn 5 năm qua, chính quyền của Tổng thống Zardari luôn bị chỉ trích về khả năng điều hành kinh tế quá yếu kém. Pakistan vẫn trong tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao, không tạo được việc làm cho hàng triệu người gia nhập thị trường lao động mỗi năm. Quốc gia Nam Á thậm chí đã rơi vào tình trạng “hỗn loạn” do thiếu điện nghiêm trọng (cắt điện 20giờ/ngày). Đây được cho là trở ngại lớn nhất với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, Pakistan đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Mới đây, quốc gia này đã phải cầu viện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với khoản tín dụng 5,3 tỷ USD trong thời hạn 3 năm để giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ngoài ra, thách thức về an ninh được xem là khôn lường với tân tổng thống để chèo lái con thuyền kinh tế đất nước. Các vụ đánh bom, tấn công khủng bố do tàn quân Taliban và các phần tử khủng bố Al-Qaeda đang ẩn náu ở các khu vực bộ lạc dọc biên giới với Afghanistan thực hiện liên tục xảy ra với tần suất ngày một dày hơn. Còn trên phương diện đối ngoại, các vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Pakistan nhằm vào các phần tử khủng bố gây thương vong cho cả dân thường đã và đang làm “sứt mẻ” quan hệ Islamabad với Washington. Vấn đề nan giải này cũng đòi hỏi một tổng thống mới phải có những quyết sách hữu hiệu.

Rõ ràng, chặng đường phía trước của tân Tổng thống Pakistan không hề bằng phẳng. Điều đó đòi hỏi nhân vật này phải gây dựng được uy tín và ý chí chính trị mạnh mẽ để đưa ra các quyết định hợp lý nhằm lèo lái con thuyền đất nước đi đúng hướng.

Phương Minh