Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng

Chia sẻ tri thức và tình yêu sách

- Thứ Năm, 30/05/2019, 15:11 - Chia sẻ
Sau hơn 10 năm Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ra đời, hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã có sự phát triển về nhiều mặt, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc và tạo không gian cho người dân học tập suốt đời. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để loại hình thư viện này phát triển đúng hướng, thu hút sự quan tâm đầu tư của các cá nhân, đoàn thể.

102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng

Sáng 30.5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 02/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Đây cũng là dịp để thu thập thông tin, dữ liệu về thực trạng hoạt động, nhận dạng những thuận lợi, khó khăn và đề ra giải pháp nâng cao hoạt động của thư viện tư nhân trong hỗ trợ việc học và tự học của người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc ở địa phương. Đặc biệt, Hội nghị được tổ chức nhằm tổng hợp ý kiến để hoàn thiện các quy định liên quan đến thư viện tư nhân trong dự thảo Luật Thư viện và các nội dung quy định về vấn đề này trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thư viện sắp tới.


Hội nghị được tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hoạt động của thư viện tư nhân trong hỗ trợ việc học và tự học của người dân
Báo cáo tổng kết hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong 10 năm qua, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, thư viện tư nhân được hình thành với các dạng chủ yếu: Thư viện cá nhân do cá nhân đứng ra xây dựng, tự đầu tư kinh phí, trang thiết bị và vốn tài liệu để phục vụ nhu cầu của cá nhân, gia đình và những người có nhu cầu; thư viện dòng họ, do con cháu trong gia đình, họ tộc đầu tư kinh phí xây dựng để phục vụ việc nghiên cứu, học tập của con cháu trong gia tộc; không gian đọc, là hình thức thư viện tư nhân được mở ra để phục vụ cộng đồng, hiện đã phát triển thành một chuỗi gồm nhiều thư viện miễn phí tại các tỉnh, thành...

Hiện nay cả nước đã hình thành 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, trong đó có 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân với hình thức của các thư viện do các gia đình, dòng họ. Đã có 47 thư viện đăng ký và được cấp chứng nhận hoạt động. Tổng số tài liệu trong thư viện tư nhân là 519.150 bản (trung bình 4.944 bản/thư viện). Tính đến thời điểm hiện tại, số người sử dụng thường xuyên tại thư viên tư nhân lên đến 536.284 bạn đọc (trung bình 6.094 bạn đọc/thư viện/năm). Hàng năm, thư viện tư nhân nhận luân chuyển sách báo từ thư viện công cộng là 26.060 bản (trung bình 260,8/bản/thư viện).

Tiếp sức cho văn hóa đọc

Thực tiễn cho thấy, công tác xã hội hóa hoạt động thư viện và xây dựng thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ngày càng phát triển. Xu hướng này rất phù hợp với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, mặt khác hỗ trợ hệ thống thư viện công cộng đáp ứng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở. Các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tiêu biểu ở Việt Nam như thư viện Huỳnh Tấn Hưng ở Vĩnh Long, thư viện Phạm Thế Cường ở TP Hồ Chí Minh, Không gian đọc Hội An tỉnh Quảng Nam, Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê tại Vĩnh Long, 130 tủ sách dòng họ trên cả nước...


Trong khuôn khổ Hội nghị, các thư viện tư nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích trong phục vụ cộng đồng đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Các chuyên gia đánh giá, nhìn chung, các thư viện tư nhân đang hoạt động khá hiệu quả, phục vụ trực tiếp cộng đồng trong cộng đồng, góp phần quan trọng xây dựng và hình thành thói quen đọc sách báo trong nhân dân. Tuy nhiên, một số thư viện chưa được đầu tư đúng mức nên chưa tạo sức hấp dẫn thực sự với người dân; nhân viên thư viện chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế nên gặp khó khăn trong quản lý thư viện và phục vụ bạn đọc; nguồn kinh phí hoạt động hàng năm không có hoặc không ổn định, nhiều thư viện gặp nhiều khó khăn và chưa bổ sung sách mới thường xuyên; nhiều thư viện hoạt động hiệu quả và có hiệu ứng mạnh, lan tỏa trong cộng đồng nhưng lại không duy trì được lâu vì không có người kế cận...

Theo bà Trương Thị Hồng Anh, Trưởng phòng Mạng lưới thư viện - Thư viện tỉnh Hải Dương: Nghị định 02/2009/NĐ-CP có quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, tuy nhiên, hiệu lực pháp lý chưa cao, các thư viện chưa được sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước. Vì vậy, để thư viện tư nhân có thể phát triển nhanh, mạnh và có chiều sâu, đòi hỏi có những chính sách mới, mà quan trọng nhất là trong Luật Thư viện đang xây dựng cần có những định hướng, chỉ đạo thích hợp. Bên cạnh đó, Vụ Thư viện cần có văn bản chỉ đạo các thư viện công cộng thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ các thư viện tư nhân, đồng thời luôn đặt các thư viện tư nhân trong các hoạt động, sự kiện như hội thảo, hội nghị hay các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức...

Đồng tình với ý kiến trên, Ths. Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh góp ý, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của thư viện cấp tỉnh trong việc hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho thư viện tư nhân, hỗ trợ về cho, mượn tài liệu, luân chuyển sách. Có chính sách cụ thể trong khen thưởng để kịp thời động viên các cá nhân, tập thể tổ chức tốt hoạt động phục vụ cộng đồng...

Bài và ảnh: Ngọc Phương