Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam

Chia sẻ thách thức về nhân lực

- Thứ Sáu, 28/09/2018, 07:53 - Chia sẻ
Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam có nhiều điều kiện để thúc đẩy phát triển, song chủ yếu ở dạng tiềm năng, một trong những rào cản lớn nhất là trình độ nhân lực thấp.

Ít cơ hội việc làm

Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam bao gồm 13 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kraté (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam). Đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được lựa chọn triển khai tại Kon Tum nhằm vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho hai nước bạn, vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề tại tỉnh.

Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam gồm 13 tỉnh thuộc khu vực ngã ba biên giới và khá tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội như: Địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn do cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu vốn, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao… Đặc biệt, trình độ nhân lực ở đây nhìn chung đều thấp hơn so với trung bình mỗi nước. Thực tiễn đó đặt ra vấn đề cần nhìn nhận, giải quyết những thách thức liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, tập huấn tay nghề cho người dân.

Báo cáo khảo sát nhu cầu hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề tại vùng tam giác phát triển của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hội thảo Đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (ngày 26.9) nêu ra thách thức cần phải giải quyết. Trong khi tỷ lệ biết chữ ở khu vực Tây Nguyên (Việt Nam) cao hơn thì ở Campuchia và Lào lại rất thấp. Khoảng 60% lao động Campuchia trong độ tuổi 35 - 64 không hoặc chưa hoàn thành giáo dục tiểu học, 35% lao động trong độ tuổi 15 - 34 chỉ mới học hết tiểu học. Năm 2015, tỷ lệ học tiểu học tại Lào đạt 98.5% nhưng tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học chỉ đạt 78%, cấp THCS đạt 57.24% và THPT đạt 17.29%, khá thấp so với các nước ASEAN.

Từ lâu, nhiều lao động ở Campuchia và Lào ở khu vực nông thôn đã sang Thái Lan tìm việc làm với mức lương cao hơn trong các lĩnh vực không đòi hỏi trình độ và phần lớn thông qua con đường phi chính thức. Trong khi đó, lao động nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam) lại chiếm tỷ lệ khá cao tại Lào và Campuchia, không chỉ làm việc trong dự án cơ sở hạ tầng lớn mà kể cả nông nghiệp. Với khu vực Tây Nguyên cũng có tình trạng tương tự. Rõ ràng, nhiều người đang không thể đáp ứng yêu cầu lao động trên chính quê hương mình. Chuyên gia giáo dục nghề nghiệp của ADB - Thomas Russell cho biết, người sử dụng lao động ở khu vực này thường phàn nàn về việc khó tìm được lao động và kỹ năng phù hợp, bao gồm cả kỹ năng mềm và thái độ làm việc. 47% doanh nghiệp tại Lào thậm chí còn khó tìm được lao động phổ thông cho những việc không đòi hỏi kỹ năng…

Hợp tác phát triển kỹ năng nghề

Việt Nam hiện có 33 trường (11 trường cao đẳng, 22 trường trung cấp) tại 5 tỉnh thuộc vùng tam giác phát triển, ngoài ra còn nhiều trung tâm đào tạo nghề cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn trình độ sơ cấp. Loại hình đào tạo nghề nghiệp của Campuchia cũng khá đa dạng nhưng các cơ sở chủ yếu nằm ở khu vực đô thị. Đào tạo nghề chính quy tại 4 tỉnh thuộc tam giác phát triển của Lào được cung cấp bởi 11 trường cao đẳng và 4 trường kỹ thuật tổng hợp, 10 trường cao đẳng, 5 trường tư và 4 trường chuyên ngành. Đây là cơ sở nâng cao chất lượng nhân lực cho khu vực tam giác phát triển, có điều giáo dục nghề nghiệp tại đây đang có sức hấp dẫn rất thấp.

Tại các tỉnh thuộc khu vực tam giác phát triển, các cấp đào tạo bậc trung có số tuyển sinh rất nhỏ so với số tuyển sinh ở các cấp bậc đào tạo cao hơn. Nguyên nhân là người dân thiếu thông tin về cơ hội việc làm, liên quan đến các bằng cấp, chứng chỉ và chất lượng đào tạo không được tin cậy. Đào tạo nghề chủ yếu phụ thuộc vào khả năng cung cấp mà thiếu sự điều phối giữa các cơ quan chính phủ và các chương trình phát triển nông thôn. Liên thông giữa các hệ thống khác nhau cũng không rõ ràng, có rất ít quan hệ hợp tác với doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Theo ông Thomas Russell, hạn chế của các cơ sở này cũng là thách thức mà các dự án hợp tác về giáo dục nghề nghiệp phải vượt qua. Mặc dù với mức độ hoàn thiện khác nhau, mỗi nước triển khai theo các tiêu chuẩn kỹ năng của mình nhưng hợp tác về giáo dục đào tạo nghề là cơ hội tốt để giải quyết những thách thức liên quan.

Trên cơ sở phân tích thách thức, các chuyên gia, nhà quản lý cùng tìm ra lời giải thông qua Đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đề án được kỳ vọng tạo nền tảng phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động ở khu vực còn nhiều khó khăn về trình độ nhân lực này. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân nhận định, hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề là bước đi cần thiết trong bối cảnh Việt Nam, Lào và Campuchia trên đà tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng, tay nghề ngày càng cao. Đối với khu vực tam giác phát triển, hợp tác phát triển kỹ năng nghề là một giải pháp cần thiết đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp cũng như giải quyết việc làm cho lao động, tham gia vào quá trình xóa đói giảm nghèo, bảo đảm phát triển bền vững. 

Thái Minh