Hội nghị lần thứ 50 Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát triển giáo dục

- Thứ Ba, 23/07/2019, 20:42 - Chia sẻ
Hội nghị lần thứ 50 của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) đang diễn ra tại Bandar Sunway, Selangor, Malaysia. Các đại biểu tập trung thảo luận về những thay đổi chiến lược đối với giáo dục nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi quốc gia và cả khu vực.

Hội nghị kéo dài 4 ngày (22 - 25.7), có sự tham gia của các Bộ trưởng Giáo dục 11 quốc gia thành viên SEAMEO (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam), quan chức Chính phủ, Trung tâm SEAMEO khu vực và các đối tác chiến lược.


Các Bộ trưởng Giáo dục tại lễ khai mạc hội nghị lần thứ 50 của SEAMEO

Bên cạnh thảo luận về những thay đổi chiến lược đối với giáo dục nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi quốc gia và cả khu vực, các đại biểu cũng chia sẻ về các định hướng chiến lược dựa trên 7 lĩnh vực ưu tiên trong 20 năm tới của SEAMEO. Theo đó, thúc đẩy giáo dục mầm non; giải quyết các rào cản đối với giáo dục hòa nhập và tiếp cận cơ hội giáo dục cơ bản đối với tất cả đối tượng người học, đặc biệt là trẻ không có cơ hội đến trường hay trẻ quá tuổi học tiểu học; chuẩn bị cho lãnh đạo các nhà trường, giáo viên và học sinh, cộng đồng địa phương về khả năng thích ứng với tình huống khẩn cấp; thúc đẩy giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và đào tạo cho người học và phụ huynh học sinh; đổi mới phương thức đào tạo giáo viên và đưa nghề giáo thành lựa chọn hàng đầu; hài hòa hóa nghiên cứu và giáo dục đại học; thông qua và triển khai chương trình khung thế kỷ XXI.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Giáo dục cũng thảo luận việc thiết lập các ưu tiên cho SEAMEO sau năm 2020 thông qua kế hoạch chiến lược SEAMEO 2021 - 2030. Đây được xem là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực giáo dục giữa các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á.

Trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển giáo dục quốc gia giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2045, hội nghị lần này là cơ hội để Việt Nam trao đổi kinh nghiệm với nước chủ nhà Malaysia cũng như các nước trong khu vực để xây dựng một chiến lược giáo dục đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế trong nước, tiệm cận quan điểm giáo dục quốc tế, đồng thời bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển chung của toàn khu vực.


Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí quốc tế

Kinh nghiệm xây dựng chiến lược giáo dục của Việt Nam cũng được các đại biểu và truyền thông khu vực quan tâm. Bên lề hội nghị, trả lời báo chí sáng 23.7, khi được hỏi về các sáng kiến và chính sách của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực đọc hiểu của học sinh cũng như chất lượng biết chữ của người trưởng thành, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, tạo môi trường và động lực hình thành thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của học sinh, sinh viên và toàn dân. Hệ thống thư viện trường học đã có sự thay đổi sâu sắc, chuyển từ mô hình một thư viện tập trung duy nhất sang mô hình thư viện vệ tinh bao gồm “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện điện tử”, “thư viện lớp học”… nhằm tăng tần suất tiếp xúc với sách cũng như tạo hứng thú đọc sách cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, mô hình “tủ sách lớp học” trong chương trình Sách hóa nông thôn đã được UNESCO trao tặng Giải thưởng xóa mù chữ quốc tế và được một số nước trong khu vực học tập, nhân rộng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm đến xóa mù chữ kết hợp phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực sống và làm việc cho người lớn thông qua hệ thống gần 11.000 trung tâm học tập cộng đồng trải rộng trên toàn quốc. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Việt Nam đang tiến vào giai đoạn xóa mù chữ chức năng để giúp người dân có được những kiến thức, kỹ năng thích ứng với đòi hỏi của nền công nghiệp 4.0, nền kinh tế tri thức và làn sóng toàn cầu hóa.

Một trong những mục tiêu của Việt Nam là xóa mù ngoại ngữ (tiếng Anh) cho toàn dân, thông qua các sáng kiến như phát triển mô hình Cộng đồng học tập tiếng Anh, gia tăng hiệu quả hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước, cũng như phát triển nền tảng công nghệ thông tin mạnh để cung cấp nguồn tài nguyên học liệu mở và các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) để phổ cập tiếng Anh cho mọi người…

Liên Anh