Chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy hiệu quả

- Thứ Bảy, 04/05/2019, 08:37 - Chia sẻ
Từ các dữ liệu về doanh nghiệp mới thành lập có đóng thuế hoặc khai báo thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) do ngành thuế cung cấp, cơ quan BHXH nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH cho người lao động. Đó là khẳng định của Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT” mới đây.

Chú trọng trao đổi thông tin

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, ngày 31.12.2014, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế ký Quy chế phối hợp công tác số 5423 nhằm thể chế hóa các nội dung phối hợp trong hoạt động của hai ngành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thực hiện chính sách BHXH và chính sách thuế trong khuôn khổ pháp luật. Sau hơn 4 năm triển khai Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã đạt được những hiệu quả nhất định, đặc biệt trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hoạt động phối hợp ngày càng đi vào chiều sâu.


Tăng thu, giảm nợ BHXH nhờ phối hợp với cơ quan thuế Nguồn: ITN

Cụ thể, về trao đổi thông tin, Tổng cục Thuế đã triển khai cung cấp thông tin từng bước cho BHXH Việt Nam phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của hai ngành. Năm 2018, trên cơ sở dữ liệu quyết toán thuế năm 2017 do cơ quan thuế cung cấp, BHXH Việt Nam đã kết xuất danh sách đơn vị và số lượng lao động chưa đóng BHXH hoặc chưa đóng đủ số người thuộc diện phải tham gia BHXH, gửi danh sách về BHXH các địa phương.

Trên cơ sở khớp mã số thuế của tổ chức trả thu nhập trong cơ sở dữ liệu thuế và mã số thuế của đơn vị tham gia BHXH do cơ quan BHXH quản lý, bước đầu đã tìm ra 305.539 tổ chức trả thu nhập có mã số thuế nhưng chưa có trong cơ sở dữ liệu thu BHXH cho người lao động. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, tính đến nay đã xác minh được 153.802 doanh nghiệp có lao động chưa đóng BHXH với khoảng trên 600.000 cá nhân; qua đó, đã yêu cầu doanh nghiệp đóng BHXH đối với 269.484 người.

Bên cạnh đó, việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng được hai ngành tích cực triển khai ở các địa phương. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2015 - 2017, cơ quan thuế địa phương cung cấp dữ liệu về tình hình trả thu nhập, nộp thuế cho cơ quan BHXH, cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra liên ngành do cơ quan thanh tra Nhà nước tỉnh, huyện chủ trì hoặc mời cán bộ BHXH tham gia đoàn thanh tra Thuế. Từ năm 2018, khi cơ quan BHXH chính thức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của hai ngành chủ yếu tập trung trong công tác trao đổi thông tin.

Hiệu quả từ địa phương

“Tại các địa phương, công tác phối hợp cũng ngày càng chặt chẽ, thường xuyên hơn. Đến nay, việc trao đổi thông tin ở cấp tỉnh, huyện đang được tiến hành thuận lợi” - Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu khẳng định.

Quy chế phối hợp công tác giữa ngành BHXH và thuế tập trung vào một số nội dung chủ yếu như trao đổi thông tin quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương đóng các khoản BHXH bắt buộc và nộp thuế; trao đổi thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra về thuế và đóng BHXH. Phối hợp trong thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức trả thu nhập và đóng BHXH; trao đổi mã số thuế sử dụng trong quản lý thuế thu nhập.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc phối hợp giữa ngành thuế và BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi BHXH cho người lao động. Hai đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả, kịp thời trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, số lao động trong doanh nghiệp, số lao động đang đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2018, Cục Thuế TP Hà Nội đã gửi hơn 11.000 thông báo nợ BHXH đến các doanh nghiệp có số nợ BHXH trên 3 tháng, với tổng số tiền nợ trên 2.095 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ BHXH thành phố thu hồi nợ để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Đàm Thị Hoa cho biết, Cục Thuế TP Hà Nội đã cung cấp cho cơ quan BHXH mã số thuế của 29.386 đơn vị, doanh nghiệp mới thành lập; danh sách 27.615 đơn vị ngừng, dừng sản xuất kinh doanh, có chủ bỏ trốn, bị phong tỏa hóa đơn; 6.432 đơn vị có dấu hiệu vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Đây là những dữ liệu, cơ sở quan trọng để cơ quan BHXH khai thác mở rộng đối tượng tham gia, tăng nguồn thu và giảm nợ BHXH.

Không dừng lại ở đó, thực hiện quy chế phối hợp giữa hai đơn vị, thời gian qua, Cục Thuế còn tăng cường tuyên truyền, trao đổi thông tin qua website, thư điện tử về chính sách thuế cũng như chính sách BHXH, BHYT, BHTN tới người nộp thuế. Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn chia sẻ, nếu như trước đây, việc tuyên truyền của ngành thuế mới chỉ dừng lại ở bộ phận kế toán, thì nay thông qua email do doanh nghiệp đăng ký, cả giám đốc và kế toán doanh nghiệp đều nhận được thông tin về chủ trương, chính sách BHXH, BHYT.

Còn đối với tỉnh Long An, dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp đã thêm một kênh phát triển đối tượng hiệu quả. BHXH tỉnh cho biết, đã thành lập Tổ phối hợp đồng bộ mã số thuế, nhằm bổ sung mã số thuế vào mã đơn vị, để rà soát, đối chiếu thông tin nhằm sàng lọc, lập danh sách doanh nghiệp. Chia sẻ về sự phối hợp, đại diện Cục Thuế tỉnh Long An nhấn mạnh, công tác thu BHXH khó hơn so với thu thuế. Phía thuế có đầy đủ công cụ chính sách và chế tài, vì vậy Cục Thuế đã quán triệt tinh thần đến từng chuyên viên thuế, rằng phía BHXH cần thì cơ quan thuế sẽ hỗ trợ hết mình.

Để công tác phối hợp hai ngành đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành nội dung trao đổi, sử dụng mã số thuế trong quản lý thu BHXH. Theo đó, sử dụng một mã số đối với một tổ chức trả thu nhập/đóng BHXH tạo điều kiện để việc ứng dụng công nghệ thông tin nhanh chóng, chính xác.

Dương Cầm