Bạn đọc viết

Chia sẻ, tích hợp để đơn giản hóa

- Thứ Ba, 03/12/2019, 08:01 - Chia sẻ
Liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp có 6 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, trong đó phải kể đến Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 108/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Thông thư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/08/2019 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp...

Đánh giá về các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng đã có nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thì không dừng lại ở đó. Cụ thể, theo quy định tại Điều 35, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Tức là cho phép lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện qua hình thức nộp trực tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp bắt buộc phải nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, người thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản tại trang dangkyquamang.dkkd.gov.vn và tiến hành nhập thông tin, tải thành phần hồ sơ theo hướng dẫn. Sau khi hoàn thành, người thực hiện thủ tục sẽ nhận được giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Khi nhận được thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thực hiện thủ tục nộp trực tiếp hoặc qua bưu chính một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Sau khi nhận được hồ sơ bằng bản giấy, cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu đầu mục hồ sơ với đầu mục hồ sơ doanh nghiệp đã gửi qua mạng điện tử và trao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Như vậy, để thực hiện được thủ tục thành lập doanh nghiệp, cá nhân (tổ chức) phải song song cả nộp trực tuyến và nộp bản giấy sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí của người thực hiện. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều thủ tục hành chính khác yêu cầu thành phần hồ sơ là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như thủ tục khai báo lao động; đăng ký mở tài khoản ngân hàng; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự... Đó là chưa kể đến các loại giấy tờ khác liên quan đến cấp phép trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: Cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy; cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu… Để có đủ các loại giấy tờ này, doanh nghiệp phải thực hiện công chứng, chứng thực, cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục đó, gây tốn kém chi phí hành chính cho doanh nghiệp.

Từ thực tế này, cần áp dụng hoàn toàn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp - cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến; việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Đồng thời giảm thiểu thành phần hồ sơ như giấy chứng minh nhân dân (căn cước công dân; hộ chiếu) bằng mã số công dân; khai báo sử dụng lao động, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; cũng như sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... trong việc chia sẻ, tích hợp thông tin cá nhân, doanh nghiệp.

Nguyễn Minh