“Chìa khóa vàng” trong phòng cháy, chữa cháy

- Chủ Nhật, 12/05/2019, 08:20 - Chia sẻ
Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là câu chuyện không của riêng ai, bởi hỏa hoạn khi xảy ra hậu quả để lại rất nặng nề, thậm chí phải trả giá bằng sức khỏe và tính mạng. Qua công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018 tại tỉnh Bình Dương, nhiều thành viên Đoàn giám sát của QH đã chỉ rõ: Ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật là “chìa khóa vàng” để phòng, chống cháy nổ và bảo vệ tài sản, tính mạng…

Phó mặc cho người thuê nhà

Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 35.863 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh và một số khu vực lận cận có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… Do vậy, Bình Dương thu hút một lượng lớn người dân nhập cư từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về lao động, học tập. Thực tế này đặt ra nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người lao động và sinh viên. Trong điều kiện các dự án nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thì nhà cho thuê đã trở thành lựa chọn tối ưu cho lực lượng lao động có thu nhập trung bình và thấp. Điều này đã khiến cho các khu dân cư, khu nhà trọ của Bình Dương luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm thông tin, tỷ lệ người dân nhập cư chiếm khoảng 50% tổng dân số đô thị của tỉnh Bình Dương. Phần lớn trong số này sinh sống trong các khu nhà trọ. Qua nắm tình hình, trên địa bàn Bình Dương hiện có khoảng 50.000 căn nhà trọ. Tuy nhiên, vấn đề PCCC tại các khu nhà trọ hiện đang còn nhiều vấn đề phải lưu tâm. Diện tích nhỏ hẹp, lượng người tập trung sinh sống đông tại một khu vực, nhiều phòng trọ đấu nối chung đường điện, nhà trọ xuống cấp; ý thức tự bảo vệ chưa cao vì “cha chung không ai khóc”… khiến nguy cơ cháy nổ, đặc biệt trong mùa nắng nóng là rất cao. Trong khi đó, về phía chủ kinh doanh, có không ít chủ nhà trọ lơ là, phó mặc cho người thuê nhà khiến công tác PCCC ở các khu xóm trọ bị xem nhẹ.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho biết thêm, có 3 khu vực trọng điểm về an toàn phòng chống cháy nổ trong khu dân cư là: Kho hàng nhỏ lẻ trong khu dân cư; chợ và nhà trọ. Các vụ hỏa hoạn gây chết người trên địa bàn đều xảy ra trong khu dân sinh. Nhiều gia đình hiện nay làm nhà cửa rất kỹ, cửa khóa nhiều lớp nhưng không bố trí lối thoát hiểm. Khi hỏa hoạn xảy ra, lực lượng chức năng tiếp cận, phá cửa để cứu thì hầu như nạn nhân đã chết ngạt, chết cháy.

Chủ động là trên hết

Theo điều tra của lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ, cứu nạn (CHCN), Công an tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 5.495 cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC theo quy định; trong đó có 3.634 doanh nghiệp có nguy cơ cao về cháy, nổ như doanh nghiệp sản xuất, gia công chế biến gỗ, vải sợi…; doanh nghiệp sản xuất, sử dụng hóa chất, dung môi…). Toàn tỉnh hiện có 411 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 11 tổng đại lý kinh doanh khí hóa lỏng; 7 trạm nạp và 1.030 cửa hàng bán lẻ khí hóa lỏng; 106 chợ; 11 siêu thị; 3 trung tâm thương mại đang hoạt động. Ngoài ra, còn có 9 khu dân cư, 26 nhà cao tầng và hơn 8.267ha rừng… Đây là những điểm cần quan tâm, lưu ý đặc biệt trong công tác PCCC.

Theo thống kê từ năm 2014 - 2018, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra 80 vụ cháy, 2 vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 10 người; tài sản thiệt hại ước tính trên 313,5 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy chủ yếu do hệ thống điện và thiết bị điện (chiếm 78,75%); bất cẩn trong sinh hoạt, lao động của người dân (chiếm 11,25%) và chỉ có 10% số vụ cháy có nguyên nhân khác như sét đánh, tự cháy, sự cố kỹ thuật…

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Bình Dương đã được trang bị hàng chục xe chữa cháy; 15 xe bồn tiếp nước; 5 xe thang chữa cháy; 11 xe chỉ huy; 24 máy bơm nước chữa cháy; 13 xe chở phương tiện, xe cứu thương, xe chở quân và một số trang thiết bị khác như mặt nạ phòng độc, áo phao, dây cứu người… Trong 5 năm (2014 - 2018), lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cứu chữa hiệu quả 80 vụ cháy, tài sản cứu được ước tính trên 1.800 tỷ đồng; cứu nạn, cứu hộ 135 vụ, cứu 403 nạn nhân bị các sự cố, tai nạn.

Trên địa bàn tỉnh đã thành lập 7 mô hình an toàn PCCC, 1 câu lạc bộ nhà trọ an toàn PCCC; huấn luyện 8.714 cơ sở với 214.258 người tham gia; tổ chức hơn 1.000 lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho hơn 70.900 người tham gia. Bên cạnh đó, lực lượng PCCC tại chỗ và quần chúng nhân dân đã kịp thời dập tắt hơn 350 vụ cháy, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. UBND tỉnh đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đầu tư kinh phí gần 481 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC và xây dựng trụ sở 6 đội cảnh sát PCCC khu vực. Toàn tỉnh có 16.040 cơ sở sản xuất kinh doanh, UBND xã, hộ kinh doanh có điều kiện và họ gia đình ký cam kết an toàn PCCC.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, Đại tá Nguyễn Văn Dựt cho biết, Tỉnh ủy, UBND và các cấp ngành liên quan luôn quan tâm đến việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình hành động cụ thể, đầu tư hệ thống trang thiết bị, nhân lực PCCC... Nhờ vậy, Bình Dương là một trong những địa phương được Bộ Công an đánh giá cao trong công tác PCCC và CHCN. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như hiện nay, đứng trước hàng loạt khó khăn nảy sinh từ thực tiễn đòi hỏi công tác PCCC phải được quan tâm hơn nữa. Trong đó, trọng tâm là việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương cũng như đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PCCC tại cơ sở; đầu tư nhân lực, vật lực cho những địa bàn xa trung tâm. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm để ngăn chặn nguy cơ phát sinh cháy nổ và nêu cao tính răn đe.

Công tác PCCC tác động trực tiếp đến sự phát triển của địa phương, đồng thời, góp phần tạo môi trường thu hút đầu tư. Do vậy, theo Trưởng đoàn giám sát của QH, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, không được chủ quan, lơ là trong công tác PCCC. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và từng người dân chứ không phải chỉ giao phó riêng cho lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ yêu cầu, địa phương phải chú trọng xây dựng lực lượng PCCC tại cơ sở thật tốt, bởi ứng phó với hỏa hoạn đòi hỏi phải nhanh, “nước xa không cứu được lửa gần”. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH địa phương phải hoạt động chuyên nghiệp, tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu cao, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Hỏa hoạn luôn đi liền với sự đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, do đó, phải nêu cao tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chủ động phòng tránh cháy, nổ là chiếc “chìa khóa vàng” trong công tác PCCC của mỗi địa phương.

LÊ HÒA - PHẠM DUY