Công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026

Chỉ thực sự ý nghĩa khi thống nhất được khung của bộ máy

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:37 - Chia sẻ
Nhấn mạnh thực tế công tác quy hoạch còn nhiều vấn đề băn khoăn, xuất phát từ chính những quy định thiếu tính thống nhất về tổ chức bộ máy của HĐND trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh cho rằng: Chỉ khi thống nhất được khung của bộ máy thì công tác quy hoạch cán bộ mới thực sự có ý nghĩa và phát huy hiệu quả. Khi đó, chúng ta mới có được quy hoạch dài hạn để phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhằm tạo ra những đại biểu dân cử chuyên nghiệp.

Bảo đảm tính công khai, dân chủ

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác quy hoạch, bồi dưỡng nhân sự, nhất là những vị trí chủ chốt cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương?

- Công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa vô cùng to lớn trong công tác cán bộ, là khâu then chốt trong chiến lược cán bộ. Dù ở bất kỳ cấp nào hay cơ quan, đơn vị nào thì công tác quy hoạch cán bộ đều rất quan trọng. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là công tác phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đối với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, tức là HĐND các cấp thì việc quy hoạch các chức danh chủ chốt như Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng, phó các Ban của HĐND tỉnh càng cần phải được quan tâm. Bởi, đại biểu HĐND chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm và thực tế cho thấy, thành phần đại biểu HĐND các cấp vẫn còn nặng về tính cơ cấu, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng đại biểu. Hoạt động chuyên sâu là các đại biểu chuyên trách gồm Thường trực HĐND tỉnh (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh), Phó các Ban của HĐND tỉnh. Do đó, việc quy hoạch và đào tạo các chức danh này rất quan trọng.

- Với vai trò và ý nghĩa quan trọng như vậy, công tác này ở Bắc Giang được quan tâm như thế nào, thưa ông?

- Có một thực tế là các nhiệm kỳ trước đây, hầu như các chức danh của HĐND đều không có quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng đến khi sắp xếp nhân sự (sau đại hội Đảng và sau kỳ bầu cử) lại không theo quy hoạch. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Đảng đoàn HĐND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện quy trình và Ban Thường vụ thực hiện quy hoạch theo quy định (kể cả các chức danh cần báo cáo cấp trên phê duyệt). Có thể nói, công tác quy hoạch các chức danh của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 được triển khai khá tốt. Việc quy hoạch bảo đảm tính công khai, dân chủ. Hằng năm, Đảng đoàn HĐND tỉnh tổ chức rà soát quy hoạch, kiến nghị bổ sung và đưa ra ngoài quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn.

Phải thống nhất được khung bộ máy tổ chức

- Quy hoạch cán bộ có tầm quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của một địa phương, một cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, việc quy hoạch và thực hiện theo đúng quy hoạch đó đối với cơ quan dân cử cũng là bài toán không hề đơn giản, thưa ông?

- Đúng là có một thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đến công tác quy hoạch các chức danh của HĐND, kể cả cấp tỉnh và cấp cơ sở. Hoặc nếu nơi nào đó có quy hoạch thì đến thời điểm bầu cử thì quy hoạch cũng thường bị phá vỡ. Từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, tổ chức bộ máy của HĐND tương đối rõ ràng thì công tác quy hoạch các chức danh của HĐND được quan tâm hơn. Song thực tế công tác quy hoạch cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn, xuất phát từ chính những quy định thiếu tính thống nhất về tổ chức bộ máy của HĐND trong Luật.

Luật quy định Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND có thể “hoạt động chuyên trách”. Chính quy định này dẫn tới sự không đồng bộ trong bố trí, tổ chức bộ máy của HĐND trong cả nước. Thực tế, có tỉnh bố trí Chủ tịch HĐND tỉnh chuyên trách, Trưởng ban HĐND chuyên trách; có tỉnh thì bố trí Chủ tịch, Trưởng các Ban HĐND tỉnh kiêm nhiệm (thường do Trưởng các ban của Đảng kiêm nhiệm); có tỉnh 1 Phó Trưởng ban chuyên trách, có tỉnh 2 Phó Trưởng ban chuyên trách. Nếu bố trí Trưởng các Ban (tức là các Ủy viên Thường trực HĐND) kiêm nhiệm thì vai trò, ý nghĩa của công tác quy hoạch sẽ không cao, mà phụ thuộc nhiều vào sự phân công của cấp ủy sau đại hội Đảng các cấp.

Do đó, theo tôi cần quy định thống nhất về tổ chức bộ máy của HĐND theo hướng Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (kiêm nhiệm Phó bí thư cấp ủy - giống với chế định Chủ tịch UBND tỉnh); 1 Phó Chủ tịch chuyên trách (là Ủy viên Ban Thường vụ hoặc cấp ủy viên); các Trưởng ban hoạt động chuyên trách (là cấp ủy viên). Đối với các Ban của HĐND, nên quy định 1 Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách và thống nhất về số lượng thành viên ban. Như vậy, khi thống nhất được khung của bộ máy thì công tác quy hoạch cán bộ mới thực sự có ý nghĩa và phát huy hiệu quả.

- Để lựa chọn được những đại biểu không những có năng lực thực sự mà phải có bản lĩnh, dám nói, cần những giải pháp gì, thưa ông?

- Thực tế HĐND các cấp hiện nay đang quan tâm nhiều đến cơ cấu đại biểu, chưa chú trọng đến tính hợp lý và chất lượng đại biểu, trong đó có tỷ lệ đại biểu hoạt động kiêm nhiệm so với chuyên trách, đại biểu công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác. Do đó, dẫn tới việc các đại biểu có năng lực, có chuyên môn song do vị trí công tác lại ít dám nói thẳng, nói thật; đại biểu dám nói thẳng, nói thật thì lại chưa am hiểu sâu về công tác quản lý nhà nước.

Để hạn chế được những tồn tại đó, các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo Đảng đoàn, Thường trực HĐND quan tâm hơn đến việc quy hoạch cán bộ làm công tác dân cử, đặc biệt là bộ máy hoạt động chuyên trách. Quan tâm hơn đến chất lượng, trình độ, năng lực của đại biểu. Cần thoát khỏi tư duy về số lượng hiện nay trong việc quy định đại biểu kiêm nhiệm hay chuyên trách. Theo tôi, số lượng đại biểu chuyên trách không cần nhiều nhưng cần ở vị trí và cần ở chất lượng. Đối với đại biểu công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, cần xác định rõ cơ cấu ở các chức danh nào và giảm tối đa về số lượng tham gia để dành cho cơ cấu khác vừa bảo đảm tính đại diện, tính khách quan, công tâm và tính thực chất trong hoạt động của HĐND.

Đối với Thường trực HĐND, như tôi đã nói ở phần trên, cần thống nhất bộ máy trong cả nước khi đó chúng ta mới có được quy hoạch dài hạn để phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhằm tạo ra những đại biểu dân cử chuyên nghiệp và hiệu quả. Cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND, bởi thực tế Thường trực HĐND khó chủ động vì không có quy định cụ thể nào về vai trò, trách nhiệm Thường trực HĐND đối với công tác cán bộ.

- Xin cảm ơn ông!

BÁCH HỢP thực hiện