Thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019

Chỉ thay đổi về mặt kỹ thuật

- Chủ Nhật, 07/10/2018, 08:47 - Chia sẻ
Theo PGS.TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), các thay đổi, điều chỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và những năm tới đây đều hướng tới bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, thuận lợi cho thí sinh. Những điều chỉnh nếu có, chủ yếu về mặt kỹ thuật và tập trung vào người tổ chức thi, do đó, các nhà trường và học sinh yên tập giảng dạy, học tập theo đúng kế hoạch.

Có thể chấm thi theo cụm

- Trước những tiêu cực xảy ra tại một số địa phương trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018, đã có nhiều ý kiến chỉ rõ hạn chế và tham vấn để đổi mới thi cử. Đến thời điểm này, Bộ GD - ĐT đã thống nhất về phương án thi chưa, thưa ông?    

- Tiếp thu các ý kiến, đồng thời nhìn lại 4 năm tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, bám sát yêu cầu Nghị quyết 29, Bộ GD - ĐT đi đến thống nhất: Năm 2019, 2020 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia trên cơ sở ổn định như năm qua, với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để kỳ thi tốt hơn, tin cậy hơn. Những điều chỉnh chủ yếu liên quan đến người tham gia tổ chức kỳ thi, còn với học sinh phổ thông lớp 12 thì không thay đổi gì đáng kể nên các em yên tâm học tập.

Cụ thể, việc đầu tiên là tập trung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi phù hợp với tính chất của kỳ thi THPT Quốc gia, đánh giá kết quả đạt được học vấn phổ thông của học sinh, nhưng bảo đảm độ phân hóa để vừa xét tốt nghiệp THPT, các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng làm căn cứ tuyển sinh; đồng thời là cơ sở dữ liệu chính xác để phân tích chất lượng giáo dục của các trường. Thứ hai, hoàn thiện các phần mềm, đặc biệt là phần mềm chấm thi trắc nghiệm, ngoài việc chấm thi tốt còn phòng ngừa tiêu cực, muốn cũng không gian lận được và nếu cố tình gian lận sẽ dễ dàng bị phát hiện.

Đồng thời, chú trọng công tác cán bộ, lựa chọn nhân sự tham gia các khâu kỳ thi, gắn liền với phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, am hiểu về chuyên môn. Trong đó, công tác tập huấn, thanh tra, giám sát đi kèm sẽ được thực hiện một cách chất lượng và hiệu quả hơn. Cùng với đó, điều chỉnh cách thức tổ chức chấm thi theo hướng cán bộ giáo viên không chấm thi bài thi, học sinh của tỉnh mình, trong đó một trong những phương án tính toán là chấm thi theo cụm.

- Về đề thi thì sao, thưa ông?

- Đề thi THPT Quốc gia 2019 sẽ tiếp tục bám sát yêu cầu, tính chất kỳ thi và phù hợp với kết quả làm bài của thí sinh. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Tới đây, Bộ GD - ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh có định hướng công tác dạy học cũng như tổ chức ôn tập để giúp các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, lấy kết quả để xét, công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh.

Thi để đánh giá thành quả học tập

- Gần đây lãnh đạo Bộ GD - ĐT khẳng định, năm 2019 kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu đánh giá học sinh THPT. Theo đó, dư luận cho rằng, một số tiêu cực xảy ra do chúng ta chưa xác định đúng mục tiêu chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH, CĐ. Ông giải thích thế nào về điều này?

- Theo quy định của Luật Giáo dục, học sinh kết thúc 12 năm học tập, nếu đủ điều kiện thì phải dự một kỳ thi để lấy kết quả xét, công nhận tốt nghiệp THPT.  Phải khẳng định rằng, việc tổ chức kỳ thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT là cần thiết, đúng luật. Cần phải tổ chức một kỳ thi nhằm mục đích đánh giá thành quả học tập của học sinh sau 12 năm học tập, đây chính là sứ mệnh của kỳ thi THPT Quốc gia.

Riêng về mục đích của xét tốt nghiệp THPT, việc này khác với tuyển sinh, không phải là kỳ thi cạnh tranh mà quan trọng là đánh giá kết quả học của học sinh sau 12 năm so với mục đích, yêu cầu đặt ra của quá trình giáo dục ở bậc phổ thông như thế nào. Cũng giống như quy trình sản xuất ra một sản phẩm vật chất, giả sử sản phẩm đã rất tốt rồi, nhưng vẫn phải kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) để ngừa lỗi, phòng tránh rủi ro và để chất lượng sản phẩm càng ngày càng nâng lên nữa. Cho nên, việc tổ chức kỳ thi THPT cũng vậy, không chỉ đơn giản là bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp, mà quan trọng là chất lượng tốt nghiệp như thế nào, giữa các vùng miền ra sao, giữa các môn như thế nào? Để sau đó, chúng ta đánh giá kết quả dạy học của các nhà trường, các vùng/miền, của các môn học; ngoài việc xét tốt nghiệp còn nhằm điều chỉnh quá trình dạy học, giúp chất lượng giáo dục ngày một tốt hơn.

- Như vậy, liệu các trường ĐH, CĐ có băn khoăn khi mục đích chính của kỳ thi THPT Quốc gia là để xét tốt nghiệp THPT sẽ khiến công tác tuyển sinh gặp khó vì hầu hết các trường đang sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để xét tuyển?

- Như tôi đã nói ở trên, tổ chức 1 kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT là quy định trong Luật Giáo dục hiện hành. Cùng với đó, Điều 34 Luật Giáo dục Đại học  quy định các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh với các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa các hình thức này. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ định hướng đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng “tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng...”.

Việc các trường ĐH xây dựng đề án tuyển sinh không mới, đã có từ năm 2014 đến nay. Theo đó, các trường đại học tự chủ tuyển sinh; tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo của nhà trường, với uy tín, đẳng cấp của mình, trường có thể sử dụng các phương thức khác, như kiểm tra năng lực, sơ tuyển... Khi nào kỳ thi THPT Quốc gia còn bảo đảm độ tin cậy thì trường đại học còn sử dụng để tuyển sinh, chứ không thể ép các trường bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, vì tính chất của kỳ thi THPT Quốc gia, kết quả còn bảo đảm độ phân hóa và sự tin cậy nên hầu hết các trường ĐH, CĐ trên cả nước đều sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau. Cho đến thời điểm này, đây không phải là cách thức duy nhất, các trường cũng đã sử dụng phối hợp các phương thức khác được chỉ rõ trong đề án tuyển sinh của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Khải Minh ghi