Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2019 cao nhất trong 4 năm gần đây

- Thứ Ba, 19/05/2020, 09:53 - Chia sẻ
​​​​​​​Sáng 19.5, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, năm 2019 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công bố Chỉ số CCHC và là năm thứ 3 đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Công tác CCHC đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, theo đại diện Bộ Nội vụ, chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81,15%, cao hơn 4,23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76,92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. So sánh giữa 63 địa phương, có 30 đơn vị đạt Chỉ số cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, năm 2019 có 44 đơn vị đạt kết quả Chỉ số trên 80%, trong khi năm 2018 chỉ có 9 đơn vị đạt kết quả trong nhóm này. Bên cạnh đó, năm 2019 không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%, trong khi năm 2018 có tới 3 đơn vị trong nhóm này, gồm Phú Yên, Kon Tum và Trà Vinh.

Theo bảng xếp hạng, tỉnh Quảng Ninh đạt kết quả cao nhất (90,09%), cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng thứ 2 là Hà Nội (đạt 84,64%). Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng. Khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng là 16,22%, tiếp tục được thu hẹp đáng kể so với các năm trước (khoảng cách giữa đơn vị cao nhất – thấp nhất năm 2018 là 19,53%; năm 2017 là 29,76% và năm 2016 là 27,77%). Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, năm 2019, số lượng đơn vị có điểm đánh giá tăng so với năm 2018 là 62 tỉnh, thành phố, cao hơn nhiều so với kết quả đánh giá năm 2018 (chỉ có 19 đơn vị tăng điểm so với năm 2017). Trong số các đơn vị tăng điểm của năm 2019, Trà Vinh là đơn vị tăng cao nhất (9,04), tăng thấp nhất là Cần Thơ (0,15). Địa phương duy nhất có kết quả điểm đánh giá năm 2019 giảm so với năm 2018 là Đà Nẵng (0,03) song Đà Nẵng vẫn nằm trong nhóm 10 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC cao nhất cả nước.


Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2019 có giá trị trung bình đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây
Nguồn Báo Công thương

So sánh kết quả Chỉ số CCHC giữa các vùng kinh tế, năm 2019, khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ  có giá trị trung bình cao nhất, lần lượt đạt 82,95% và 82,02%; tiếp đến lần lượt là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (80,97%), Bắc Trung Bộ và duy hải miền Trung (80,76%), Tây Nam Bộ (80,42%). Tây Nguyên là khu vực đạt giá trị trung bình thấp nhất với kết quả 79,63%, nhưng so sánh về giá trị tăng thêm giữa năm 2019 và 2018 thì đây lại là khu vực có giá trị trung bình tăng cao nhất (6,53%) so với 5 khu vực còn lại.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực hơn so với các năm trước, song vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành 100% mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch năm đã đề ra; chưa xử lý dứt điểm tồn tại, hạn chế phát hiện qua CCHC. Một số tỉnh còn tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý. Tỷ lệ giảm biên chế ở một số địa phương còn thấp, chưa đạt yêu cầu; phòng chuyên môn trực thuộc sở, ngành và phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tại một số địa phương có cơ cấu số lượng lãnh đạo chưa hợp lý, còn tình trạng số lượng công chức giữa chức vụ lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo, một số địa phương có Cổng dịch vụ công chưa đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến ở mức độ 3,4 còn thấp.

Từ thực tế trên, Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, không ngừng đổi mới, sáng tạo và bố trí đủ nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác CCHC, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương  nghiên cứu, sử dụng có hiệu qủa kết quả Chỉ số CCHC hằng năm trong công tác quản lý, điều hành.

Về phía các bộ, ngành, địa phương, cần tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị; bảo đảm việc theo dõi, đánh giá được thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời tháo gỡ hạn chế, vướng mắc, rào cản trong quá trình triển khai Kế hoạch CCHC hằng năm của bộ, tỉnh. Mặt khác, quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ CCHC; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao tính đồng bộ, thống nhất và bảo đảm tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương; đẩy mạnh việc rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách hiệu quả, thực chất, loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp…

Đan Thanh