Chi phí thủ tục hành chính khác nhau giữa các vùng miền

- Thứ Bảy, 18/08/2018, 18:06 - Chia sẻ
Qua báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018) do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ cho thấy, chi phí TTHC có sự khác nhau giữa các vùng miền, trong đó, phía Bắc có chi phí TTHC cao nhất. Câu hỏi đặt ra là, đâu là giải pháp để kéo giảm chi phí tuân thủ TTHC xuống mức thấp nhất cho người dân và doanh nghiệp?

Hà Nội có thời gian thực hiện TTHC cao nhất

Theo APCI 2018, hiện nhiều địa phương đã có những sáng kiến cải tiến nhằm thống nhất và tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục liên quan trong khuôn khổ pháp luật. Các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là nơi mà các doanh nghiệp có thể thực hiện TTHC đầu tư với chi phí thấp nhất (khoảng 2,8 triệu đồng), chỉ bằng 35,8% chi phí tuân thủ của nhóm thủ tục này trên cả nước. Tiếp đó là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có chi phí tuân thủ vào khoảng 6,7 triệu - tương đương, 84,3% chi phí tuân thủ trung bình trên cả nước. Trong khi đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có chi phí tuân thủ cao hơn chi phí trung bình cả nước (tương ứng là 104%). Chi phí tuân thủ của địa phương có thực tiễn tốt nhất (khoảng 1,6 triệu đồng) chỉ chiếm 20,5% chi phí tuân thủ trung bình của cả nước. APCI 2018 cho thấy nhiều tỉnh có chi phí tuân thủ TTHC lớn nằm ở miền Bắc. Chi phí tuân thủ TTHC có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới hiệu quả và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Trong khi đó, chi phí tuân thủ của địa phương có mức chi phí cao nhất vượt xa mức chi phí của tất cả các vùng kinh tế trọng điểm, gấp hơn 4 lần chi phí tuân thủ trung bình trên cả nước và gấp hơn 21 lần mức chi phí tuân thủ của địa phương tốt nhất. Điều này cho thấy dư địa cho việc cải cách các TTHC thuộc nhóm thủ tục đầu tư ở hầu hết các địa phương trên cả nước còn tương đối nhiều.


ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhò và vừa Việt Nam

Điều đáng chú ý là, Hà Nội là địa phương có thời gian thực hiện TTHC cao nhất. Nguyên nhân dẫn đến địa phương có thời gian thực hiện TTHC cao nhất là do yêu cầu về hồ sơ sau khi đã nộp trực tuyến thì phải nộp bổ sung bản cứng/bản giấy khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thời gian scan hồ sơ (để nộp trực tuyến) mà còn mất thêm thời gian in ấn (để nộp bản giấy trực tiếp). Có doanh nghiệp phản ánh lại rằng họ đã mất nhiều thời gian để hiểu và điền chính xác các nội dung trong biểu mẫu cũng như thời gian đi lại để thu thập đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Mặc dù chấp thuận cho việc nộp hồ sơ trực tuyến nhưng các thông tin yêu cầu về thời gian lại không được rõ ràng, dễ hiểu. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ bởi vì không nhận được yêu cầu rõ ràng từ cơ quan nhà nước ngay từ đầu.

Như vậy, chi phí TTHC ở từng vùng miền có sự chênh lệnh không nhỏ. Chi phí về thời gian chuẩn bị hồ sơ ở khu vực phía Bắc chiếm 86% tổng chi phí, trong khi trung bình cả nước chỉ 67% và còn khu vực miền Nam chi phí này chỉ chiếm 24%, khu vực miền Trung 61%. Lý giải về điều này, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết: đây là do vấn đề minh bạch thông tin về TTHC chưa tốt, hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ chưa kỹ càng nên người dân phải đi lại nhiều lần, làm phát sinh chi phí.



Doanh nghiệp vẫn chịu gánh nặng về chi phí thủ tục hành chính. - Nguồn: Internet

Con người là yếu tố quyết định 

Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC phải áp dụng công nghệ thông tin mới làm được. Nhưng hiện chỉ số đánh giá này mới chỉ thiên về phía các cơ quan công quyền nhà nước, đặc biệt là các bộ, ngành. Ở đây cần có hai chiều, nếu làm tốt ở bộ, ngành và các cơ quan trung ương nhưng doanh nghiệp không biết, không hiểu thì những chi phí không chính thức vẫn tồn tại, vì ai cũng muốn công trình, dự án của mình nhanh chóng được tiếp nhận. Con người mà không thay đổi, đạo đức, tư duy không thay đổi thì trời không cứu được chứ đừng nói gì tới công nghệ thông tin.
 
ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân

Chi phí cho TTHC bao gồm cả chi phí về thời gian, tiền của, cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, chi phí chính thức và không chính thức. Chi phí càng nhiều, càng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, đến người dân và năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Hiện đang tồn tại một thực tế là, cùng một nhóm TTHC nhưng có nơi thì thời gian chi phí rất thấp nhưng có nơi lại cao. Đơn cử, cùng một quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh nhưng chi phí tuân thủ của một doanh nghiệp của Bắc Ninh khi thực hiện thủ tục này chỉ bằng 1/11 chi phí tuân thủ ở một tỉnh khác. Điều này cho thấy, hiệu quả của cải cách TTHC phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm chính trị của từng địa phương, cán bộ thực thi và người đứng đầu. 
 
Cho rằng, chi phí TTHC ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp, đó là chi phí tuân thủ TTHC còn rất cao. Doanh nghiệp, người dân khi làm TTHC còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần với nhiều loại chi phí. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng, cần phải cải cách phải quyết liệt, đồng bộ từ trên xuống. Nếu làm tốt, công khai tốt các TTHC thì các chi phí sẽ giảm, chi phí về thời gian và cả những khoản như “bao thư lót tay, bởi chúng ta sẽ giám sát được những tiêu cực.
 
Theo ông Ngô Hải Phan, từ chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC, thủ tục xây dựng nói riêng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc cao so với phía Nam sẽ giúp lãnh đạo các tỉnh phía Bắc điều chỉnh các khâu trong quá trình giải quyết TTHC, kể cả việc cán bộ làm chưa tốt dẫn đến việc người dân phải đi lại nhiều lần làm tăng chi phí. Các dịch vụ cũng cần chấn chỉnh, ông Phan lưu ý.
 
Rõ ràng, chi phí tuân thủ cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp ở khu vực này, mà còn ảnh hưởng tới động lực và động cơ của các doanh nghiệp trước các quyết định đầu tư mới, hay đầu tư mở rộng. Do vậy, việc nâng cao động lực, động cơ cải cách của các cơ quan chính quyền cấp tỉnh là hết sức cần thiết và có tính cấp bách. Công tác cải cách TTHC cần được gắn với một kết quả được lượng hóa cụ thể, với trách nhiệm của người đứng đầu và gắn với việc đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ lãnh đạo địa phương và của từng cá nhân trong bộ máy thực thi TTHC tại các tỉnh. Chừng nào cải cách TTHC chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu và gắn với cán bộ thực thi, thì cải cách vẫn chỉ là những kêu gọi chung chung mà thôi.

Lê Hùng