Bạn đọc viết:

Chỉ một loại Phiếu Lý lịch tư pháp

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:16 - Chia sẻ
Trước tình trạng gia tăng yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 của cá nhân, tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét sửa đổi quy định này theo hướng thống nhất cấp một loại phiếu lý lịch tư pháp để bảo đảm thực hiện chủ trương hòa nhập cộng đồng của người có án tích và nguyên tắc bí mật đời tư của công dân.

Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, có hai loại phiếu lý lịch tư pháp: Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu Lý lịch tư pháp số 2. So với Phiếu Lý lịch tư pháp số 1, Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 ghi đầy đủ các thông tin của cá nhân, bao gồm các thông tin về án tích (đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, tòa án đã tuyên bản án, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong khi đó, Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi những án tích chưa được xóa - tức là những án tích đã được xóa không ghi vào Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 và  phiếu này cũng không ghi thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không yêu cầu.

Như vậy, nội dung của 2 phiếu này sự khác biệt về tính chất pháp lý. Chính vì thế, Luật Lý lịch tư pháp quy định chặt chẽ về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2. Theo đó, trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp phiếu. Trong khi đó, cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Như vậy, có thể thấy, quy định của Luật Lý lịch tư pháp được xây dựng theo nguyên tắc “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”.

Kết quả 10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp cho thấy, nhu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 của cá nhân ngày càng tăng, nhưng không nhằm đến mục đích như Luật Lý lịch tư pháp đặt ra: “Phiếu lý lịch tư pháp số 2… cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình”. Như vậy, nguyên tắc “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân” đã không được bảo đảm. Điều đáng nói, trước thực tế gia tăng yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2, nhưng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp không có quyền từ chối yêu cầu cấp của cá nhân. Bởi, việc cá nhân sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 không đúng mục đích không phải là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định theo hướng bỏ quy định về việc cá nhân có quyền yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2, thống nhất chỉ có 1 loại phiếu lý lịch tư pháp cấp cho cá nhân - là loại Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 đang được cấp và sử dụng theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp. Việc điều chỉnh theo hướng này vừa bảo đảm được chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự ''người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích''; đồng thời bảo đảm được nguyên tắc giữ bí mật đời tư của công dân.

Phạm Hải