Chỉ mong các ĐBQH không bỏ lỡ cơ hội đóng góp cho đất nước

- Thứ Năm, 14/02/2013, 11:53 - Chia sẻ
Mong muốn các Đại biểu nhận thức rõ hơn, thường trực hơn về vai trò, nhiệm vụ của mình. Các đại biểu cũng cần nhớ, người tài, người có tâm huyết trong xã hội rất nhiều, nhưng không phải ai cũng may mắn như mình, được trao một diễn đàn để quyết định những việc quan trọng nhất của đất nước. Tôi chỉ mong các ĐBQH không bỏ lỡ cơ hội đóng góp cho đất nước. GS. TS Nguyễn Minh Thuyết nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và Nhi đồng thẳng thắn chia sẻ với PV Báo ĐBND nhân dịp đầu năm mới 2013.

Cốt lõi đổi mới trong hoạt động của chính quyền của dân, do dân và vì dân chính là khẳng định vai trò của cử tri, của nhân dân trong mối quan hệ với chính quyền, mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri

- Đời sống KT- XH của đất nước luôn vận động, kéo theo là những đổi mới hoạt động từ bộ máy trong quan hệ với nhân dân. Trở lại vai trò của công dân, theo ông trong tiến trình đổi mới, dân chủ hóa đời sống xã hội thì mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu sẽ có những thay đổi?

- GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Hiện nay tôi thấy là cử tri cũng bắt đầu có yêu cầu cao hơn đối với ĐBQH. Nhưng thực sự thì mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu chuyển biến chưa rõ, bởi vì đã là ĐBQH thì chủ yếu là do tổ chức quyết định chứ không phải là do cử tri cho nên đại biểu không có động lực làm việc cho cử tri. Ngược lại, cử tri cũng không có hy vọng lắm vào đại biểu. Nhiều khi cử tri bàng quan ngay cả với việc đi bầu cử, chuyện tiếp xúc với đại biểu.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri cũng đã có những bước chuyển biến rõ rệt là cử tri có bức xúc thì người ta phải trông vào đại biểu, Hơn nữa, Quốc hội một vài khóa gần đây hoạt động tốt nên cử tri càng đòi hỏi đại biểu. Thế nhưng hiện nay về cơ bản thì mối quan hệ này vẫn chưa thay đổi nhiều.

- Vậy sẽ có những giải pháp gì, thưa ông ?

- GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu nói về mặt giải pháp, theo tôi, muốn thay đổi thì chỉ có cách là làm thế nào đó để đại biểu với vị trí chính trị, vận mệnh chính trị của mình phải được quyết định bởi cử tri và phải có động lực phấn đấu vì cử tri, truyền đạt được những ý kiến của mình, của cử tri đến với Quốc hội.

Tôi lấy ví dụ một đơn vị bầu cử của mình hiện nay đang bầu ít nhất 2- 3 đại biểu. Thì 2, 3 đại biểu là đại diện cho một đơn vị bầu cử, rồi lại có cả Đoàn ĐBQH cũng đại diện cho cả tình đồng thời cho đơn vị bầu cử. Thế thì trách nhiệm cá nhân đại biểu bị lẩn vào trong trách nhiệm của tập thể. Nếu bây giờ mình sửa đổi luật, chia nhỏ đơn vị bầu cử ra để mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu 1 đại biểu thôi thì động cơ phấn đấu của đại biểu sẽ phải tốt hơn nhiều. Ít nhất đại biểu sẽ không bao giờ dám bỏ tiếp xúc cử tri. Và thứ nữa, đại biểu mà không hoạt động tích cực, không đem ý kiến cử tri đến với Quốc hội, cử tri không thấy ông xuất hiện lần nào, không phát biểu câu gì thì chắc là họ cũng yêu cầu bãi miễn.

- Con đường phát triển của đất nước trong chiến tranh cũng như trong hòa bình luôn gặp những gian nan, khó khăn. Khi còn là ĐBQH, ông đã đối mặt với hoàn cảnh này như thế nào?

- GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Từ đổi mới đến giờ, đất nước mình mới thoát ra khỏi khó khăn, nhưng thực sự khó khăn lại chuyển sang một hướng khác, như khoảng cách giàu nghèo quá lớn, tham nhũng, văn hóa xã hội xuống cấp, người dân thì giảm niềm tin vào chính quyền… Tôi làm ĐBQH trong đúng thời gian đó tức là về mặt kinh tế đất nước thì khá giả hơn số đông người dân thì khá giả hơn nhưng về nền tảng đạo đức tinh thần xã hội bị giảm sút ghê gớm.

Trong hoàn cảnh như thế, tôi là ĐBQH nghĩ là mình phải có trách nhiệm. Truớc hết mình phải tham gia cùng với Quốc hội, với Chính phủ tìm những phương án phát triển kinh tế đất nước đặc biệt là với những đối tượng khó khăn để giảm khoảng cách giàu nghèo lại. Không phải là làm cho người giàu bớt giàu đi mà làm cho người nghèo bớt nghèo đi. Đấy là một cố gắng chủ yếu đóng góp về mặt chính sách, về mặt giải pháp. Thứ hai là tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, bởi chính tham nhũng làm cho đất nước nghèo đi đồng thời cũng làm cho mất lòng tin của người dân. Mình phải kiên trì trong cái cuộc đấu tranh này. Thứ ba là tôi hoạt động trong lĩnh vực văn hóa giáo dục cũng cố gắng là bằng cương vị của mình đóng góp vào việc đề ra những chính sách đấu tranh để thực thi chính sách về phát triển văn hóa giáo dục. Dĩ nhiên là trong văn hóa giáo dục thì mình vẫn còn có những hạn chế nhất là về mặt văn hóa thì mình chỉ chú trọng đến tính phong trào nhiều những gì về mặt bản chất văn hóa thì mình chưa quan tâm lắm... Với cương vị ĐBQH thì tôi cũng cố gắng nhiều, nhưng đóng góp thì cũng rất là nhỏ nhoi thôi vì đây là một bộ máy lớn, mình như là một người vịn vào đấy để đẩy lên thôi thì sức mình cũng chỉ đến thế thôi.

Lên QH, làm cái dấu nhạt nhòa thì sẽ thấy rất buồn

-  Trở lại câu chuyện của đại biểu, thưa ông, 9 năm thực hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử, ông còn nhớ những kỷ niệm vui buồn ?

- GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Cái vui thì có lẽ vui nhất là mình cảm thấy dù chưa được, còn nợ cử tri rất nhiều nhưng cũng đã phần nào hoàn thành được nhiệm vụ của đại biểu, không bị cử tri chê trách, thậm chí có cử tri còn khen thì đấy cũng là cái mừng. Có lần ở Đà Nẵng tôi đi qua đường mua bao thuốc gặp một người qua đường cứ vòng vòng xe máy nhìn. Tôi băn khoăn không biết gặp anh này ở đâu. Sau đó anh ấy dừng lại hỏi xin lỗi bác có phải bác Thuyết không? Và nói cử tri Đà Nẵng rất yêu mến bác. Tôi rất cảm động, vì nó còn hơn cả một cái tấm huân chương, bởi vì huân chương lên hạng thì đến hạng nhà nước thưởng thôi còn đây là huân chương tự nguyện mà người dân người ta cho mình. Những việc như thế tôi cũng gặp ở nhiều địa phương. Đấy là những niềm vui thôi mặc dù mình còn nợ cử tri nhưng mình cảm thấy là đã làm được hết sức của mình rồi và mình cũng phần nào hoàn thành được trách nhiệm. Có những cử tri khen ngợi, động viên, thì đấy là những điều vui nhất của người đại biểu dân cử. Mỗi khi họp QH thì tôi nhận được khá nhiều tin nhắn của cử tri hoặc email động viên thì đó là những điều tôi cảm thấy rất là vui…  Lên QH mà không làm được cái việc gì, là cái dấu nhạt nhoà của QH thì sẽ thấy rất buồn.

- Làm đại biểu với nhiệt huyết giúp dân, với canh cánh nỗi lo trước những nguyện vọng của cử tri, đòi hỏi của đất nước. Với những đại biểu như vậy, liệu tâm huyết thôi đã đủ, thưa ông ?

- GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ trước hết phải có tâm huyết đã, vì khi anh đã có tâm huyết rồi thì anh mới có quyết tâm làm việc và anh mới học hỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình được. Nếu đầu tiên chỉ coi vào QH là thay đổi một vị trí công tác, một vinh dự cho bản thân và mình ngồi hưởng vinh dự ấy mà mình không làm gì thì rõ ràng mình sẽ lãng phí diễn đàn mà người dân và nhà nước giao cho mình. Cho nên, nếu đã là đại biểu thì mình phải tận dụng cơ hội, không tiếc thời gian mình bỏ phí…  Nhưng nếu làm đại biểu mà mình chỉ ngồi cho qua ngày đoạn tháng thì đúng là phí thời gian của mình, thiệt cho mình và cũng phí công lá phiếu của người dân bầu cho mình. Họ bầu cho mình vào đây để mình đại diện cho người ta chứ đâu phải bầu vào đây để mình hưởng lộc, mình ngồi chơi không.
 
Từ chỗ có tâm huyết rồi, thì mình phải chịu học hỏi trong thực tế và lý luận để làm việc. Học hỏi thực tế nghĩa là mình phải đi thực tế nhiều. Có những đại biểu rất lạ gần như không bao giờ ra khỏi phòng, không muốn đi giám sát, đi thực tế, như thế làm sao mà làm việc được. Đại biểu là phải đi vào thực tế, qua các cuộc giám sát đấy, mình thấy thực tế vấn đề chính sách đang được triển khai như thế nào, tâm trạng, tình cảnh người dân ra sao, ý nguyện của họ ra sao. Mình phải đi thực tế, phải tiếp xúc cử tri, phải tiếp xúc rộng thì mình mới hiểu được đời sống người dân. Có những cái cần là mình phải vác sách đi học chuyên gia.

Tôi kể một câu chuyện là lúc mới về UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường, được phân công tham gia thẩm tra Luật Thủy sản. Khi cầm đọc Luật Thủy sản thì chả thấy có gì sai cả, thấy cái gì cũng quy định đúng hết, nhưng cũng còn một vài chỗ diễn đạt thì mình thấy cần diễn đạt cách khác tốt hơn chứ còn người ta diễn đạt chả sai. Nhưng lúc nói chuyện với chị Chi, bây giờ là vụ phó, lúc bấy giờ là chuyên viên, chị ấy bảo, luật này còn nhiều vấn đề lắm anh ạ. Tôi giật mình. Bây giờ mình về đây làm ĐBQH, Ủy viên chuyên trách, mình chẳng thấy cái gì có vấn đề cả mà bây giờ một cô chuyên viên bảo vậy là tôi hoảng, không biết thế này có làm được ĐBQH hay không. Đến lúc vào dự hội thảo của UB tổ chức tiếp xúc với các đối tượng có liên quan đến Luật thấy họ đưa ra bao nhiêu vấn đề mình thấy đúng, luật này giải quyết chưa tốt, dự thảo này giải quyết chưa tốt. Thế nên đại biểu phải đi thực tế, chứ nếu chỉ có ngồi trong phòng hay chỉ có lý thuyết không không thể hiểu được đâu.

Thực ra mỗi đại biểu chỉ hiểu được mỗi lĩnh vực của mình thôi trong khi ở Quốc hội bàn tới hàng trăm lĩnh vực, làm sao anh biết được hết. Để có chất vấn sắc sảo cần hỏi tư vấn cả các chuyên gia. Chính thời gian tôi hoạt động Quốc hội, học hỏi rất nhiều thông qua các hoạt động thảo luận Quốc hội, bởi vì ở trong Quốc hội, thế nào cũng có đại biểu có kinh nghiệm hơn mình. Khi họ nói mình học người ta cách suy nghĩ, cách trình bày.

Điều thứ ba phải có đầu óc tổng hợp từ thực tế. Nhưng chỗ này rõ ràng phụ thuộc vào khả năng từng đại biểu, nhưng nếu đại biểu nào học trong thực tế và lý luận rất nhiều chắc chắn họ cũng sẽ tổng hợp và phân tích được.
 
Và cuối cùng phải có bản lĩnh. Không có bản lĩnh không thể nói được. Mình nói theo đuôi người khác thì không giải quyết được vấn đề gì cả.

- Trở lại vai trò của cử tri, ông mong muốn điều gì ở đại biểu? Mỗi công dân có thể đóng góp gì cho đất nước, cho QH ?

- GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Mong muốn các Đại biểu nhận thức rõ hơn, thường trực hơn về vai trò, nhiệm vụ của mình. Các đại biểu cũng cần nhớ, người tài, người có tâm huyết trong xã hội rất nhiều, nhưng không phải ai cũng may mắn như mình, được trao một diễn đàn để quyết định những việc quan trọng nhất của đất nước. Tôi chỉ mong các ĐBQH không bỏ lỡ cơ hội đóng góp cho đất nước, để sau một nhiệm kỳ, mỗi đại biểu tự đánh giá lại thì ít nhất thấy mình không phí thời gian trong 5 năm làm đại biểu, mình cũng đã hoàn thành được cơ bản chức trách của một đại biểu mà cử tri giao cho.

Còn về phía cử tri, trách nhiệm của cử tri đương nhiên là phải chấp hành chính sách pháp luật, phải đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đấy là cái coi trọng nhất. Những cử tri lớn tuổi phải làm gương cho những người xung quanh. Cử tri trẻ tuổi thì hăng hái, nhiệt huyết tham gia những công việc chung.

Thực ra mọi thành công trong cuộc sống, trong xã hội, có đóng góp quyết định của thanh niên. Đường lối đúng rồi mà không có lực lượng thanh niên thì cũng chịu. 

- Xin cảm ơn Ông về cuộc trao đổi tâm huyết này!

Thanh Hà thực hiện