Bạn đọc viết

Chỉ giám định khi nghi ngờ là tiền giả

- Thứ Tư, 10/07/2019, 07:59 - Chia sẻ
Khoản 5, Điều 206, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định là khi cần xác định chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ. Điểm b, Khoản 1, Điều 90 Bộ luật cũng quy định vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách.

Việc giám định các trường hợp này vô cùng quan trọng trong việc định tội danh, xác định khung hình phạt đối với một số tội phạm như các tội phạm về ma túy; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khi quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự…

Quy định tưởng chừng như đã rõ, nhưng vẫn tồn tại quan điểm, cách hiểu khác nhau về việc giám định đối với vật chứng thu được thuộc một các trường hợp nêu trên, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng, mọi trường hợp khi vật chứng thu được là tiền thì phải tiến hành giám định ngay theo quy định tại Điều 90, Bộ luật Tố tụng hình sự do quy định vật chứng là “tiền” mà không bắt buộc phải là “tiền giả”. Nếu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thực hiện việc trưng cầu giám định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Quan điểm thứ hai, lập luận, chỉ trưng cầu giám định khi có căn cứ cho rằng đó là “tiền giả”. Quan điểm này có cơ sở khi dẫn chiếu quy định tại Điều 206, Bộ luật Tố tụng hình sự “bắt buộc trưng cầu giám định khi “cần” xác định đó là tiền giả”.

Thực tế, không phải bất cứ trường hợp nào khi vật chứng thu giữ được là tiền các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng  đều phải thực hiện việc trưng cầu giám định. Như vậy, sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí giám định trong khi phần nhiều các tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự thì đối tượng tác động của tội phạm là vật chất (chủ yếu là tiền) và tiền mà tội phạm có được (trực tiếp hoặc gián tiếp) sẽ là vật chứng trong vụ án hình sự. Cho nên việc quy định phải giám định vật chứng là tiền sẽ gây khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý vụ án. Ví dụ trong vụ án Phan Sào Nam và đồng phạm bị xét vử về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức game bài trên internet, cơ quan điều tra thu được hàng nghìn tỷ đồng đây là vật chứng trong vụ án, nếu thực hiện theo quy định tại Điều 90, Bộ luật Tố tụng Hình sự thì sẽ rất mất thời gian vì số tiền là rất lớn và thực tế vụ án này, số tiền thu được cũng không phải tiến hành giám định vì không có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án tuy rằng đây là vật chứng.

 Như vậy, để bảo đảm thời gian tố tụng theo quy định của pháp luật thì chỉ bắt buộc giám định ngay đối với tiền khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ để nghi ngờ đó là “tiền giả” trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố hoặc trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án hoặc có khiếu nại, tố cáo của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Nguyễn Minh