50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)

Chỉ dẫn con đường phát triển văn hóa Việt Nam

- Thứ Sáu, 30/08/2019, 08:09 - Chia sẻ
Với hàm nghĩa lớn lao, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hóa Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hóa trong toàn dân, lấy văn hóa chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền và văn hóa trong thể chế nhà nước - một nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân, vì dân làm sức mạnh tiêu biểu nêu gương thuyết phục nhân dân. Qua lời dặn dò của Người, các thế hệ mai sau còn nhìn thấy ở đó việc xây dựng một đời sống văn hóa mới; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái…

Lòng yêu nước - hạt nhân cơ bản

Chọn dịp sinh nhật để viết những dòng tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để lại cho đồng bào, đồng chí và Tổ quốc, nên phong cách diễn đạt suy nghĩ của Người trong Di chúc rất độc đáo. Theo PGS.TS. Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, không những là một văn kiện có giá trị lịch sử và có ý nghĩa thời đại sâu sắc, Di chúc Bác Hồ là tài sản vô giá được xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Giá trị văn hóa Việt Nam toát lên trong Di chúc là lòng yêu nước. Đây chính là nền tảng, là động lực của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trở thành hệ giá trị cốt lõi của cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam. PGS.TS. Phan Xuân Biên cho rằng, giá trị văn hóa của Di chúc là lời dặn dò cho thế hệ mai sau về lòng yêu nước, hạt nhân cơ bản của văn hóa Việt Nam.

“Thực hiện lời dặn của Người, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ bao quát của sự nghiệp xây dựng văn hóa là phát huy chủ nghĩa yêu nước để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa tiên tiến là một nền văn hóa yêu nước và tiến bộ…; bản sắc dân tộc của Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn… nên phải vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước, thi đua yêu nước. Trong Di chúc của Bác còn hàm chứa trọn vẹn chủ nghĩa nhân văn, một giá trị chuẩn mực của văn hóa Việt Nam. Tính nhân văn thể hiện trong Di chúc của Người là tình cảm thương yêu đối với tất cả các giới đồng bào và nhân dân cả nước, luôn đặt con người ở vị trí trước tiên, vị trí trung tâm”, PGS.TS. Phan Xuân Biên cho biết.

Khẳng định ý nghĩa đặc biệt về lịch sử và văn hóa, Di chúc của Hồ Chí Minh không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam. Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thị Tình dẫn lời Đại tướng Võ Văn Giáp: “Nhiều nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới cũng đã cho rằng: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những dành cho nhân dân Việt Nam mà cho tất cả các dân tộc”. Hay có nhà lãnh đạo không phải cộng sản cũng nói lên niềm xúc động của mình và cho rằng: “Lời Di chúc của con người vĩ đại ấy là cho tất cả loài người, việc gì Người chưa làm, tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ tiếp tục làm”. Con người Bác trong mắt thế giới là vậy, một con người của thế kỷ, của thời đại.

Mục tiêu của hôm nay và mai sau

Trước khi nêu “điều mong muốn cuối cùng” của mình là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào sáu cụm vấn đề cốt lõi: Cuộc chống Mỹ, cứu nước; vấn đề khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; vấn đề giải quyết công việc đầu tiên là đối với con người; vấn đề chỉnh đốn Đảng; vấn đề đoàn kết quốc tế và vấn đề riêng. GS.TS.NGƯT. Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét, rõ ràng Hồ Chí Minh là con người của những dự báo tài ba và con người của hành động tích cực, luôn luôn bình tĩnh, biết nhìn về phía trước. Do vậy, Người mới có những dòng viết sâu sắc, sáng suốt cho tương lai mà không ít nhà nghiên cứu coi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản chiến lược xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Mặc dù Người viết chỉ “để lại mấy lời” và “nói tóm tắt vài việc thôi” nhưng đây hẳn là một văn kiện lịch sử vô giá. TS. Nguyễn Thị Hảo, Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, những điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; về chăm lo đối với con người và thế hệ trẻ; về quản lý xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi là sự tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, là lý luận về đổi mới và tương lai phát triển của đất nước. “Tư tưởng của Người trong bản Di chúc là định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả hôm nay và mai sau, vì mục tiêu đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, bao quát toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt mong muốn mỗi người dân Việt Nam phấn đấu trở thành những người có văn hóa để xây dựng một xã hội văn hóa. Người chỉ rõ, để làm được việc này thì trước hết phải xây dựng văn hóa của người lãnh đạo. “Đọc Di chúc việc Bác nói về Đảng chúng ta lại nhớ đến việc Bác bồi dưỡng lớp cán bộ đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ngay bấy giờ Bác đã nêu lên những nguyên tắc cơ bản để xây dựng con người cách mạng chân chính, từ đó xây dựng một chính Đảng cách mạng. Người viết: Người cách mạng phải “cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo”, TS. Nguyễn Thị Tình dẫn chứng. Hơn ai hết Bác Hồ thấy rõ việc xây dựng văn hóa của chính đảng cầm quyền là vô cùng quan trọng để giá trị của văn hóa được lan tỏa, hòa vào đời sống của nhân dân, thúc đẩy xã hội phát triển như Người đã khẳng định: Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

TS. Nguyễn Thị Tình khẳng định: “Với ý nghĩa lịch sử và văn hóa, dân tộc và nhân loại, tài liệu “tuyệt đối bí mật” sẽ mãi mãi trường tồn như một áng văn bất hủ”.

-------------------

(*) Hồ Chí Minh, NXB. SOIR, Paris, 1967

Hương Sen