Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh:

Chỉ đại biểu “nóng ruột”?

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:17 - Chia sẻ
Trong gần 2 giờ đồng hồ đầu tiên trả lời chất vấn của các ĐBQH, “tư lệnh” ngành công thương hầu như không có chút lúng túng nào. Từ những vấn đề thuộc về quản lý vĩ mô đến những nội dung cụ thể, từ vấn đề cần giải pháp ngắn hạn đến vấn đề cần giải pháp dài hạn... Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đều trả lời nhanh, gọn. Kinh nghiệm điều hành một trong những bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực “hoành tráng” nhất có lẽ đã tạo nên sự bình tĩnh, tự tin ấy. Nhưng câu trả lời của Bộ trưởng có làm cho các đại biểu yên tâm hay không lại là chuyện khác.

“Nóng” nhất ở hội trường Diên Hồng chiều qua, trong phần chất vấn đối với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chính là cơ chế phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh không gian hội nhập kinh tế của nước ta đang mở rộng hơn bao giờ hết. Các ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), Phan Viết Lượng (Bình Phước)... đề cập đến vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau. Từ câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng nước ngoài trà trộn, “đội lốt” xuất xứ hàng Việt Nam để trục lợi các ưu đãi thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do mang lại cho hàng hóa Việt Nam; nguy cơ Việt Nam bị áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại; chuyện doanh nghiệp FDI chèn ép doanh nghiệp trong nước hay câu chuyện hàng hóa nước ngoài ào ào nhập vào Việt Nam trong khi hàng Việt Nam chật vật tìm chỗ đứng ở thị trường nước ngoài, chuyện doanh nghiệp Việt “chết” ngay trên sân nhà... Không khó để cảm nhận được trong chất vấn của các ĐBQH hàm chứa cả sự lo lắng và sốt ruột khi đây đều là những việc đã diễn ra từ lâu nhưng chậm phát hiện, chậm xử lý, có những việc thậm chí đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường hơn.


Đáp lại sự “nóng ruột” của các ĐBQH, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời khá chi tiết về những việc làm được, nhưng dường như lại vô tình “lướt” ở những nội dung lẽ ra “không thể lướt”.

Như câu chuyện về phòng vệ thương mại, Bộ trưởng khẳng định trước QH, Chính phủ đã rất chủ động để xây dựng các đề án lớn về phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ cũng như chống truyền tải bất hợp pháp trong các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư tại Việt Nam với những nội dung rất cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành để thực hiện việc này. Bộ Công thương đã chủ động có cơ chế chính sách để thông báo kịp thời cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các tỉnh để quản lý chặt chẽ hơn và khuyến nghị để kiểm soát hoạt động đầu tư, tránh chuyển tải bất hợp pháp; có danh sách cảnh báo sớm các nguy cơ gian lận thương mại trong một số mặt hàng gửi Tổng cục Hải quan. Bộ Công thương cũng đang tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức khuyến nghị cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cảnh báo về nguy cơ bị trừng phạt thương mại cũng như bị áp thuế trong các mặt hàng khác. Những sản phẩm có dấu hiệu gian lận thương mại, truyền tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU cũng đã được phát hiện. Bộ Công thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành để xử lý. Đặc biệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu hàng hóa, sử dụng xuất xứ hàng hóa đã phối hợp chặt chẽ chống lại hành vi này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn tại hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Hay khi trả lời chất vấn của ĐBQH về thách thức lớn nhất khi thực thi 16 hiệp định thương mại tự do sắp tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói ngay, “không phải là vấn đề xúc tiến thương mại hay xử lý tranh chấp thương mại đơn thuần mà phải bắt đầu từ nguồn gốc của vấn đề hoạt động sản xuất của chúng ta, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như công nghiệp. Đây là vấn đề lớn nhất”. Bộ trưởng cũng nói rất “đúng bài” rằng, nếu chúng ta không đổi mới mô hình, trong đó bao gồm chuỗi liên kết của 4 nhà và vai trò của các hợp tác xã, sẽ rất khó để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, qua đó, tiến bước đi vào khu vực này để phối hợp và tiếp sức cho người nông dân cũng như khu vực nông nghiệp”. “Chúng ta phải đổi mới quan điểm trong câu chuyện tiếp cận với những thị trường quốc tế, nhất là hàng loạt những vấn đề của hội nhập từ sở hữu trí tuệ, những cam kết quốc tế, cho đến những vấn đề về các rào cản kỹ thuật và cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp của chúng ta không thể chậm trễ, phải tính đến những yêu cầu rất lớn về đổi mới công nghệ cũng như năng suất lao động”...

Những điều Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, khẳng định hay cam kết trước QH trong phiên chất vấn chiều qua phản ánh rất đúng thực tế, cũng rất rõ ràng về những nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ, của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan. Chỉ có điều, “vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng lại chưa trả lời”, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhận xét, và chỉ rõ, đó chính là lỗ hổng rất lớn về pháp luật. Hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào. Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không? Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam “chết” ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra. Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn này? Những câu hỏi nóng bỏng liên tiếp được ĐB Nguyễn Tiến Sinh đặt ra với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Nếu xét ở khía cạnh cung cấp thông tin về những nỗ lực, kết quả đã đạt được và những vấn đề mang tính định hướng chung chung trong thời gian tới thì phần trả lời của “tư lệnh” ngành công thương chiều qua đã khá đầy đủ. Nhưng điều mà các ĐBQH và cử tri chờ đợi - những giải pháp đột phá, những bước đi, lộ trình cụ thể để khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế hiện nay - thì lại chưa có.

Đại biểu, cử tri, doanh nghiệp “nóng ruột” thì đã rõ nhưng Bộ trưởng liệu có “nóng ruột” hay không thì còn phải chờ ở phiên chất vấn sáng nay.

Lam Anh