Chế tài đối với sự gian lận

- Thứ Ba, 30/06/2020, 05:17 - Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây thông báo về việc cấm vận Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu có trụ sở tại Việt Nam không được tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn tài trợ của World Bank trong vòng 7 năm. Lý do được World Bank đưa ra là doanh nghiệp này đã có hành vi gian lận trong Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng và Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Trong quá trình thực hiện các dự án, nhân viên của Sao Bắc Đẩu có tiếp cận khách hàng để tác động và trong hồ sơ thầu có một thư hỗ trợ dự án... Việc nhân viên của Sao Bắc Đẩu tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kỹ thuật trước thời điểm thầu là không phù hợp nguyên tắc đối với các dự án của World Bank.

Với "chế tài" mà World Bank đưa ra sẽ khiến Sao Bắc Đẩu không đủ điều kiện tham gia vào các dự án hoặc hoạt động do các tổ chức thuộc Nhóm World Bank tài trợ. Theo World Bank, đây là một phần của các thỏa thuận giải quyết mà theo đó, Sao Bắc Đẩu thừa nhận trách nhiệm đối với những vi phạm và phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể mới đủ điều kiện thoát khỏi chế tài cấm này.

Đây không phải là lần đầu tiên World Bank đưa ra chế tài nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm những nguyên tắc khi tham gia dự án do cơ quan này tài trợ. Trước đây, World Bank từng đưa ra mức “án phạt” khá nặng đối Công ty Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam do những sai phạm khi triển khai các dự án do World Bank cấp vốn vì cung cấp tài liệu giả mạo liên quan tới kinh nghiệm cho một nhà thầu quốc tế để chuẩn bị tài liệu đấu thầu tài chính cho một gói thầu. Ngoài ra, thực hiện hành vi thông thầu với một nhà thầu khác cho hợp đồng một công trình.

Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp này dù chỉ là thiểu số, nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Chế tài mạnh mà World Bank đưa ra đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm cho thấy, cơ quan này, cũng như luật pháp quốc tế rất tôn trọng nguyên tắc minh bạch. Các doanh nghiệp tham gia dự án phải có đủ năng lực về tài chính, quản trị chứ không phải là những khoản “hoa hồng” lót tay.

“Trông người lại ngẫm đến ta”. Từ chế tài nghiêm khắc của World Bank lại nghĩ đến những doanh nghiệp tham gia thầu của Việt Nam. Bởi với những dự án được chỉ định thầu, rất khó để xác định được tính minh bạch. Và tất nhiên, cũng không loại trừ cả những trường hợp dù được đấu thầu công khai nhưng việc phù phép, làm “đẹp” hồ sơ thầu không phải là trường hợp ngoại lệ.

Vấn đề này cũng đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua. Theo đó, còn xảy ra tình trạng chỉ định thầu thiếu căn cứ, chưa đủ điều kiện; phê duyệt hồ sơ mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định. Ngoài ra, chỉ định thầu không thực hiện đúng trình tự; không đấu thầu qua mạng. Điều đáng nói, nhà thầu trúng thầu không đủ năng lực theo hồ sơ yêu cầu.

Nhân dân và dư luận có quyền đặt câu hỏi, vì sao lại xảy ra tình trạng chỉ định thầu không đúng quy định trong khi trình tự, thủ tục về chỉ định thầu đã được pháp luật quy định? Vì sao nhà thầu không đủ năng lực theo hồ sơ yêu cầu lại vẫn được chọn để thực hiện dự án? Liệu có phải là do những khoản tiền “bôi trơn”, khoản phần trăm béo bở hay không? Đó có phải hành vi tham nhũng không? Những doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn trúng thầu, sau khi được chỉ ra thì bị xử lý thế nào hay chỉ dừng lại ở việc “nêu tên”, “rút kinh nghiệm” là xong? Hành vi “hỗ trợ kỹ thuật” dự án bởi khoản tiền phần trăm, hay thông thầu của các doanh nghiệp khi tham gia dự án liệu có phải là do quan niệm tồn tại lâu nay - “lợi ích cưa đôi” hay không, hay do sự thiếu minh bạch trong triển khai dự án? Nếu có cần sớm ngăn chặn và dẹp bỏ tình trạng này.

Hội nhập kinh tế, quốc tế ngày càng sâu rộng. Doanh nghiệp ngày càng có nhiều cơ hội để tham gia sân chơi lớn nếu có đủ sức cạnh tranh minh bạch. Hình phạt mà Word Bank áp dụng đối với những trường hợp vi phạm là bài học cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp. Muốn sống được, muốn bơi ra biển lớn phải bằng năng lực thực sự chứ không phải bởi những khoản hoa hồng lót tay. Điều này đòi hỏi trong quản lý nhà nước, trong hoạt động của doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc “minh bạch”. Chỉ khi thông tin được minh bạch và có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm thì mới bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.

Hà An