Chế độ bầu cử: Xu hướng cải cách trong vài thập niên gần đây

- Thứ Sáu, 01/04/2011, 07:40 - Chia sẻ
Chế độ bầu cử được hiểu theo nghĩa hẹp là phương pháp phân ghế đại biểu giữa các ứng cử viên dựa trên kết quả bỏ phiếu của cử tri. Có hai phương pháp cơ bản: phương pháp đa số và phương pháp tỷ lệ. Theo đó, hai chế độ bầu cử cơ bản được xác lập là chế độ bầu cử đa số và chế độ bầu cử đại diện tỷ lệ. Ngoài ra, các chế độ bầu cử khác (bầu cử lựa chọn và bầu cử hỗn hợp) là sự biến dạng và kết hợp của hai chế độ bầu cử này. Vào năm 2006, 91 quốc gia áp dụng chế độ bầu cử đa số, chiếm 46% số quốc gia được khảo sát; 72 quốc gia (36%) áp dụng chế độ bầu cử đại diện; 30 quốc gia (15%) áp dụng chế độ bầu cử hỗn hợp.

Việc phân loại các chế độ bầu cử dựa trên ba yếu tố chính: có bao nhiêu nghị sỹ được bầu từ mỗi khu vực bầu cử; công thức tính theo đa số hay theo tỷ lệ; số lượng cử tri tối đa mỗi nghị sỹ hoặc đảng được thay mặt đại diện (do luật quy định hoặc xác định theo số ghế được bầu ở mỗi khu vực bầu cử). Ba yếu tố này là cơ sở chính để tính ghế được bầu từ số phiếu cử tri đã bỏ, tác động đến số ghế của mỗi đảng có được, phân bổ ghế về mặt địa lý, tính chất của mỗi ứng viên được bầu.

Việc lựa chọn chế độ bầu cử nghị viện phù hợp do từng quốc gia quyết định. Theo nghiên cứu của Liên minh Nghị viện thế giới, nếu tuyển cử trước hết để bầu ra một chính phủ liên hiệp chịu trách nhiệm về chính sách quốc gia, thì bầu cử nghị viện theo đa số, để thành lập một thế lực chính trị có khả năng nắm giữ vận mệnh đất nước. Nếu tuyển cử nhằm bảo đảm trước hết quyền đại diện của các lực lượng chính trị quốc gia và làm cân bằng các lực lượng chính trị trong Nghị viện, thì bầu cử nghị viện thường theo chế độ tỷ lệ đại diện.

Việc áp dụng chế độ bầu cử Nghị viện trong mỗi quốc gia do Hiến pháp và pháp luật bầu cử quy định. Thông thường, việc chuyển từ chế độ bầu cử này sang chế độ bầu cử khác được thực hiện thông qua trưng cầu dân ý. Năm 1993, Italy chuyển từ chế độ bầu cử tỷ lệ sang chế độ bầu cử hỗn hợp, trong khi đó, New Zealand chuyển từ chế độ bầu cử đa số sang bầu cử đại diện tỷ lệ cũng đều thông qua trưng cầu dân ý.

Trong vòng một thế kỷ đầu kể từ khi các đảng phái ra đời ở các nước (khoảng từ năm 1880 đến 1980), người ta nhận thấy, nếu chế độ bầu cử đã được xác lập ở một quốc gia thì không thể thay đổi nó, vì giới cầm quyền không muốn đánh mất quyền lợi có được từ chế độ bầu cử đó. Tuy nhiên, trong vòng 30 năm gần đây, cải cách chế độ bầu cử đã diễn ra thường xuyên và rộng khắp, từ những nước đang phát triển như Fiji, Thái Lan, Ecuador, Mông Cổ, Nam Phi, Indonesia, Lebanon, cho đến những nước đã phát triển như Italy, New Zealand, Hà Lan, Anh, Canada.

Những thay đổi về chế độ bầu cử ở các nước xuất phát từ năm lý do chính: thứ nhất, nhằm tăng cường tính đại diện của các vùng miền và tăng trách nhiệm giải trình của cá nhân các ứng viên thuộc danh sách đảng giới thiệu (như ở Indonesia và Nam Phi); thứ hai, nhằm khắc phục những vướng mắc của chế độ bầu cử theo đa số (như ở Lesotho và Mông Cổ); thứ ba, nhằm giảm sự phân tán về đảng phái trong một hệ thống chính trị thiếu ổn định (như ở Italy và Nga); thứ tư, nhằm làm cho xã hội với nhiều sắc tộc được gắn kết hơn (như ở Fiji và Bosnia); thứ năm, tạo điều kiện cho các nhóm thiểu số trong xã hội được có tiếng nói nhiều hơn (như ở New Zealand, Canada, Anh, Mỹ).

Lê Anh