Chế độ bầu cử: Chế độ bầu cử theo đa số

- Thứ Sáu, 01/04/2011, 07:39 - Chia sẻ
Bầu cử đa số là chế độ bầu cử được áp dụng nhiều nhất trên thế giới (ở 91 nước, chiếm 46%); gồm có bầu đa số giản đơn, bầu đa số tuyệt đối và bầu cử lựa chọn.

Bầu theo đa số giản đơn, hay “người về đầu sẽ trúng cử” (“first past the post”) là phương pháp mà người có số phiếu cao nhất sẽ trúng cử mà không nhất thiết phải đạt một số lượng phiếu nhất định. Chế độ bầu cử đa số giản đơn đã được thực hành từ 140 năm trước đây, bắt nguồn từ nước Anh và đang được áp dụng tại 47 nước (trong số 199 nước được khảo sát). Pháp luật của hầu hết các nước áp dụng chế độ bầu cử đa số tương đối đều quy định số lượng tối thiểu cử tri tham gia bỏ phiếu.

Ưu điểm của chế độ bầu cử này là cuộc tuyển cử luôn luôn đạt được kết quả, luôn bầu ra được số nghị sĩ mong muốn. Tuy nhiên, chế độ bầu cử đa số giản đơn có nhược điểm là không thể hiện được ý chí của cử tri, vì trong nhiều trường hợp, người trúng cử đạt số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên, nhưng lại không do đa số cử tri bầu ra. Ngoài ra, bầu cử đa số giản đơn còn tạo nên sự chênh lệch giữa các đơn vị bầu cử, trong trường hợp đại biểu trúng cử ở đơn vị bầu cử số 1 với số phiếu thấp hơn nhiều so với ứng cử viên không trúng cử ở đơn vị bầu cử số 2.

Bầu đa số tuyệt đối đòi hỏi ứng cử viên phải thu được số phiếu cao nhất và phải quá 50% tổng số phiếu bầu mới được xem là trúng cử. Pháp luật bầu cử của các quốc gia thường quy định số lượng tối thiểu cử tri tham gia bỏ phiếu để đảm bảo tính hợp pháp của bầu cử Nghị viện. Số lượng tối thiểu đó có thể là một nửa số cử tri đăng ký trong danh sách cử tri hoặc ít hơn.

Trong trường hợp không có ứng cử viên nào đạt được 50% số phiếu bầu, vòng bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức. Có hai cách tổ chức vòng bầu cử này. Cách thứ nhất, vòng bầu thứ hai sẽ theo phương pháp đa số giản đơn, để chọn ứng cử viên nào đạt số phiếu cao nhất mà không cần đạt tới 50%. Cách thứ hai, vòng bầu cử thứ hai được tổ chức để chọn giữa hai ứng cử viên đã đạt được số phiếu cao nhất trong vòng đầu tiên, ai sẽ được bầu. Trong trường hợp này, người trúng cử cần đạt được đa số phiếu tuyệt đối, quá 50% số phiếu bầu.

Chế độ bầu cử này khắc phục được các nhược điểm của bầu đa số tương đối. So với bầu cử đa số tương đối, các đại biểu được bầu là những người thu được đa số phiếu của cử tri, đại diện cho nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, phương pháp bầu cử này nhiều khi không thu được kết quả, không tìm ra được người trúng cử do sự phân tán phiếu của cử tri. Hoặc nếu ở đơn vị bầu cử được bầu nhiều đại biểu thì việc bầu cử một lần có thể sẽ không bầu được đủ số đại biểu cần thiết.

Phương pháp bầu cử lựa chọn hay còn gọi là bầu ưu đãi (alternative or preferential vote) là một loại hình của bầu đa số tuyệt đối. Cử tri chỉ bầu cho một ứng cử viên, nhưng đồng thời viết rõ trên lá phiếu đó, theo thứ tự, ai là người được ủng hộ kế tiếp, nếu ứng cử viên kia không trúng cử. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số tuyệt đối ở vòng đầu, người nhận được ít phiếu nhất sẽ bị loại, và vòng bỏ phiếu thứ hai được tiến hành. Quá trình đó lặp lại cho đến khi một trong số các ứng cử viên đạt được đa số phiếu tuyệt đối. Cũng giống như bầu đa số tuyệt đối, phương pháp bầu cử lựa chọn nhiều khi đòi hỏi phải tiến hành nhiều vòng bỏ phiếu. Hệ thống bầu cử lựa chọn này chỉ được thực hiện duy nhất ở Australia.

Minh Thy