Chế độ bầu cử: Bầu cử theo tỷ lệ đại diện

- Thứ Sáu, 01/04/2011, 07:40 - Chia sẻ
Chế độ bầu cử đại diện tỷ lệ chọn ra các nghị sỹ theo tỷ lệ số phiếu bầu mà đảng phái chính trị thu được. Theo phương pháp này, cử tri bỏ phiếu bầu cho các đảng phái chứ không bầu cho các ứng cử viên cụ thể. Số lượng Nghị sĩ trúng cử phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu mà đảng đó thu được.

Chế độ bầu cử theo tỷ lệ đại diện thường được chấp nhận ở các nước có đa đảng cách đây không lâu. Kể cả các đảng bảo thủ hoặc tự do ở những nước này cũng ủng hộ chế độ bầu cử này vì sợ đánh mất vị thế vốn có; còn các đảng đối lập thiểu số như đảng xã hội, đảng thiên chúa giáo, hay các đảng đại diện cho các sắc tộc thiểu số dĩ nhiên muốn áp dụng chế độ bầu cử đại diện theo tỷ lệ. Một số nước bắt đầu áp dụng chế độ bầu cử này từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đến năm 2006, có 70 nước trong số 199 nước được khảo sát áp dụng chế độ bầu cử theo tỷ lệ đại diện.

Có hai cách bầu đại diện tỷ lệ: Cách thứ nhất, cử tri bỏ phiếu cho các đảng phái, sau đó đảng phái phân ghế cho đại biểu của họ. Ví dụ bầu cử Nghị viện ở Nhật Bản, ấn Độ. Theo phương thức này, cử tri không trực tiếp bầu ra đại biểu, mà chỉ lựa chọn đảng phái mình ủng hộ. Như vậy, việc phân ghế nghị sĩ thực ra chỉ do lãnh đạo đảng phái quyết định. Cách thứ hai, tên của các ứng cử viên được nhóm theo danh sách đảng phái, do đó, cử tri có thể bầu đích danh đại biểu của các đảng phái chính trị. Ví dụ, Italy, Áo, Bỉ thực hiện bầu cử theo chế độ đại diện tỷ lệ, cử tri có thể bỏ phiếu ưu tiên cho một trong số các ứng cử viên của một đảng nào đó mà họ lựa chọn. Phương thức này tạo điều kiện cho cử tri có cơ hội thể hiện ý chí của mình trong việc trực tiếp lựa chọn ứng cử viên.

Theo các học giả, chế độ bầu cử đại diện tỷ lệ là bình đẳng và dân chủ nhất vì cho phép thể hiện trong Quốc hội mọi xu hướng chính trị của xã hội lúc tiến hành bầu cử, có tính chất đại diện cao hơn. Chế độ bầu cử này khuyến khích các đảng giành được tối đa phiếu ở những khu vực họ có thế mạnh và cả những khu vực họ yếu thế. Muốn thế, các đảng phải thu hút được những nhóm người trong xã hội lâu nay không cùng hệ tư tưởng hoặc những nhóm thiểu số. Điều này càng đúng khi các đảng đa số cần lá phiếu của các nhóm thiểu số để giành được số phiếu cần thiết cho phép thành lập chính phủ. Ở Nam Phi, việc chuyển từ chế độ bầu cử “ai đến trước thì thắng” sang bầu cử theo tỷ lệ đại diện đã tạo điều kiện cho các đảng phái đại diện cho người da đen có tiếng nói và thúc đẩy quá trình hòa hợp dân tộc ở nước này.

Chế độ bầu đại diện tỷ lệ tạo điều kiện cho những đảng nhỏ cũng có đại diện trong Nghị viện. Tuy nhiên, các quốc gia cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế các đảng phái quá nhỏ nếu không thu được một số lượng  phiếu nhất định của cử tri thì sẽ không được phân ghế trong Nghị viện. Ví dụ, ở Nga và Đức đảng nào không thu được 5% tổng số phiếu của cử tri sẽ không được phân ghế trong Nghị viện.

Chế độ bầu cử theo tỷ lệ đại diện có hạn chế là cử tri bỏ phiếu cho đảng phái mà mình ủng hộ chứ không bỏ phiếu cho ứng cử viên cụ thể. Bởi vậy, việc phân ghế đại biểu mà đảng phái thu được thường do các quan chức lãnh đạo đảng quyết định. Điều đó dẫn đến sự hạn chế vai trò của các nghị sĩ vì các nghị sĩ này không do nhân dân trực tiếp lựa chọn. Ngoài ra còn hạn chế việc thể hiện nguyện vọng của cử tri.

Hoài Thu