Chế độ bầu cử: Bầu cử hỗn hợp

- Thứ Sáu, 01/04/2011, 07:39 - Chia sẻ
Chế độ bầu cử hỗn hợp là sự kết hợp của chế độ bầu cử đa số và chế độ bầu cử đại diện theo tỷ lệ dưới các hình thức khác nhau.

Khi Nghị viện quyết định một vấn đề thì chỉ dựa vào hai lực lượng hình thành là đa số và thiểu số, không quyết định theo phương pháp tỷ lệ đại diện. Nếu Nghị viện quyết định một vấn đề theo phương pháp đại diện tỷ lệ thì có đồng thời nhiều quan điểm, nhiều khuynh hướng chính trị cùng tham gia thì vấn đề sẽ không quyết định được. Lúc đó, tính chất đại diện tỷ lệ hầu như không có ý nghĩa. Bởi vậy, một phương pháp bầu cử trung gian - bầu cử hỗn hợp được xác lập nhằm mục đích dung hòa các chế độ bầu cử theo đa số và theo tỷ lệ đại diện.

Các hình thức bầu cử hỗn hợp được một số quốc gia áp dụng có thể phát huy các ưu thế và hạn chế nhược điểm của các chế độ bầu cử. Tuy nhiên, chế độ bầu cử hỗn hợp tạo ra sự phức tạp, và đôi khi là sự chênh lệch, không đồng bộ đối với kết quả bầu cử. Chẳng hạn, trong bầu cử Thượng nghị viện Nhật Bản, một số Nghị sĩ được bầu trực tiếp theo phương pháp đa số, một số khác lại trúng cử thông qua việc cử tri bỏ phiếu theo phương pháp đại diện tỷ lệ cho các đảng chính trị. Do đó, các quy định của pháp luật bầu cử đối với việc bầu Thượng nghị sĩ là không nhất quán. Ngoài ra, kết quả bầu cử đôi khi không phản ánh rõ mối tương quan lực lượng chính trị giữa các đảng phái.

Các quốc gia áp dụng bầu cử hỗn hợp theo một trong ba phương thức sau đây: Một là, phương thức cùng tồn tại, có nghĩa là các quy định, quy trình, thủ tục bầu cử khác nhau được áp dụng ở các khu vực bầu cử của quốc gia đó nhằm bầu ra các nghị sỹ. Ví dụ, ở Costa Rica từ năm 1913, Hy Lạp từ năm 1956, Panama từ năm 1983, cử tri ở một số khu vực bầu cử bầu theo chế độ đa số, nhưng cử tri ở các khu vực khác lại bầu theo chế độ bầu cử tỷ lệ đại diện.

Hai là, phương thức phân bổ đa tầng, theo đó, một lá phiếu của cử tri được tính hai lần hoặc nhiều hơn theo thủ tục của các chế độ bầu cử khác nhau nhằm phân bổ ghế trong nghị viện. Điển hình là ở lần một tính theo công thức của chế độ bầu cử đa số tương đối, lần hai theo công thức của chế độ bầu cử tỷ lệ đại diện như ở Hàn Quốc từ năm 1987, Mexico từ năm 1986 hoặc Đài Loan từ năm 1991.

Ba là, phương thức song song, theo đó, mỗi cử tri có hai lá phiếu để bầu ứng cử viên theo hai chế độ bầu cử song song, điển hình là kết hợp bầu cử theo đa số với bầu cử theo tỷ lệ đại diện như ở Brazil từ năm 1933, Nga và các nước Đông âu từ những năm 1990.

Cách phân chia cụ thể các khu vực bầu cử theo chế độ bầu cử hỗn hợp lại khác nhau ở từng quốc gia. Chẳng hạn, các thượng nghị sĩ Pháp được bầu gián tiếp bởi cử tri đoàn tại các tỉnh theo hai chế độ bầu cử: hai phần ba thượng nghị sĩ được bầu cử theo đa số và một phần ba theo đại diện tỷ lệ. Bầu cử theo đa số hai vòng được thực hiện trong đại đa số các tỉnh nước Pháp; mỗi tỉnh được phân bổ từ 1 đến 4 ghế thượng nghị sĩ, và tại lãnh thổ hải ngoại. Bầu cử đại diện tỷ lệ được áp dụng trong một số ít các tỉnh, mỗi tỉnh được phân bổ từ 5 ghế trở lên và 12 ghế đại diện cho người Pháp ở nước ngoài.

Trong khi đó, bầu cử đại biểu Viện Đuma quốc gia Nga (Hạ viện) theo chế độ hỗn hợp được phân chia như sau: 225 đại biểu được bầu theo chế độ bầu cử đa số giản đơn ở 225 đơn vị bầu cử trong cả nước; 225 đại biểu còn lại được bầu theo chế độ bầu cử tỷ lệ, trong đó cả nước là một đơn vị bầu cử, cử tri bầu theo danh sách các đảng chính trị.

Nguyên Lâm