Tản mạn

Chậu nước của mẹ

- Thứ Bảy, 11/05/2019, 08:24 - Chia sẻ
Không chỉ gây nên sụt lún, nước ngầm bị khai thác vô tội vạ đương nhiên sẽ dẫn tới... hết cả nước mà hút. Nước ngầm cạn kiệt, các dòng sông cạn kiệt, lúc đó thì nước - “máu của sự sống” - cũng sẽ khô.

1. Mẹ tôi năm nay đã ngoài bát thập. Từ khi tôi biết nhớ, thì cũng nhớ mẹ có một thói quen từng làm tôi rất khó chịu. Là mỗi lần vo gạo, rửa rau, bà đều giữ phần nước thải (không có xà phòng) vào cái chậu (hoặc xô, hộp nhựa), không cho ai đổ đi. Sau đó bà dùng nước này để tưới mấy chậu cây sau nhà và sau này là ban công của căn chung cư. Ngay cả khi căn hộ chung cư trang bị chậu rửa hiện đại, bà vẫn nhất quyết giữ cái xô, cái hộp nhựa đựng nước thải như vậy. Nhiều lần tôi cự nự đòi vứt cái xô đó đi (vì thấy nó xấu, không sạch), mẹ không chịu. 

Năm 2004, lần đầu tiên tiếp xúc với xứ văn minh phương Tây, đến nhà ông anh ở Moln, Đức - vừa sang đã đòi bà chị dẫn đi mua “bubble bath”, là loại xà bông tắm tạo bọt như trong phim “Soap opera”. Bà chị nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi bảo: “Loại đó dùng tốn nước lắm”. Rồi chị bồi thêm: “Ở đây trả tiền nước sinh hoạt, nhưng nước thải cũng bị tính tiền nữa”. Lúc đó chỉ nghĩ: Ôi sao dân Tây khổ thế nhỉ, phát minh ra xà phòng, rồi dùng lại sợ tốn nước!

2. Mới đây, chính quyền Indonesia buộc lòng phải đưa ra một quyết định tốn kém và khá đau đớn: Di dời thủ đô khỏi Jakarta. Có hai lý do cho cuộc dời đô này, trong đó lý do số 1 là ngập nước do bị lún, xuất phát từ việc khai thác nước ngầm vô tội vạ.

Trong 30 năm qua, mực nước biển xung quanh Jakarta đã dâng lên 3m (bao gồm nước biển dâng và sự sụt lún), biến nó trở thành đô thị chìm nhanh nhất thế giới. Tại nhiều khu vực trong thành phố, đất sụt lún với tốc độ kinh hoàng lên đến 10cm mỗi năm (tức 1m trong 10 năm) - theo báo Tuổi Trẻ, dẫn nguồn từ Research Gate.

Đại đô thị 30 triệu dân này khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát trong nhiều năm và điều này dẫn đến đất lún. Tương tự, Tokyo (Nhật Bản) cách đây 100 năm, bơm nước ngầm khiến Tokyo chìm với tốc độ nhanh hơn Jakarta bây giờ. Sau Thế chiến thứ Hai, chính quyền thành phố quyết liệt cấm khai thác nước ngầm và thậm chí còn bơm thêm nước vào lòng đất. Và Tokyo bây giờ không còn lún nữa.

TP Hồ Chí Minh đang nằm trong top 3 thành phố lún nhanh nhất thế giới, sau Jakarta và Manila - theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ngoài một số lý do về địa chất, biến đổi khí hậu thì khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân hàng đầu. Một nghiên cứu từ Sở TN - MT cho thấy, đến năm 2020, nhiều khu vực ngoại thành của thành phố sẽ bị sụt lún từ 12 - 20cm vì khai thác nước ngầm.

Không chỉ gây nên sụt lún, nước ngầm bị khai thác vô tội vạ đương nhiên sẽ dẫn tới... hết cả nước mà hút. Nước ngầm cạn kiệt, các dòng sông cạn kiệt, lúc đó thì nước - “máu của sự sống” - cũng sẽ khô. 

3. Cả tháng nay dân Sa Pa (Lào Cai) phải mua nước sinh hoạt 400 - 600.000 đồng/m3. Dân Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đang chuẩn bị phương án tệ nhất là di dời khỏi đảo vì thiếu nước ngọt, một khi khách du lịch đổ bộ... Không biết loại tin tức như thế này có làm động lòng những ai đang “xả láng” với nước, nhất là khi giá nước sinh hoạt chưa tăng.

Trong lúc thấy quy trình biến nước thải thành nước sinh hoạt tại gia còn xa vạn dặm, tôi đành tạm thời học tập mẹ già: Trữ nước vo gạo, nước rửa các thức không dầu mỡ trong hộp nhựa đựng rác ướt, thiết kế sẵn ở bồn rửa bát đũa, để dùng làm nước tưới cây. Hai cây bông trang nở hoa và một cây chanh con đang được tưới hoàn toàn bằng nước “xái” như vậy.

Thủy Phạm