Chất xúc tác phát triển kinh tế số

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:08 - Chia sẻ
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) diễn biến khó đoán định, những lĩnh vực, dịch vụ sử dụng công nghệ có nhu cầu tăng cao do được thực hiện trên nền tảng điện tử, giảm bớt chi phí vật lý, hạn chế tiếp xúc người với người. Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam “nhìn lại chính mình”. Dịch bệnh xảy ra là chất xúc tác thúc đẩy chúng ta phải phát triển kinh tế số hơn nữa trong thời gian tới.

“Trong nguy có cơ”

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, dịch nCoV đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam. Mức độ ảnh hưởng đến đâu vẫn chưa lường hết được vì còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Việc cần làm hiện nay là chống dịch và giảm được tác động tiêu cực đến nền kinh tế. “Các yếu tố bên ngoài luôn bất định, khó lường, có thể hôm nay thế này, ngày mai thế khác. Nếu không chủ động thì sẽ luôn phải đi chống đỡ rất vất vả và không hiệu quả. Dịch bệnh đến, khiến chúng ta phải nhìn lại chính mình, rằng đã đi đúng hay đi sai, và cũng giúp chúng ta nhận ra điểm yếu của nền kinh tế”, ông Thành nói.


Nguồn: ITN
 Nhưng “trong nguy có cơ”, dịch nCoV bùng phát là cơ hội phát triển kinh tế số vì các hoạt động thực hiện trên nền tảng điện tử, giảm bớt chi phí vật lý, hạn chế tiếp xúc người với người. Tuy nhiên, ông Thành nhấn mạnh, dù không có dịch bệnh này thì nền kinh tế số đã là một xu thế rồi, nhưng có cái chuyển động nhanh, có cái chuyển động sẽ chậm. Chính phủ Việt Nam cũng đã chuẩn bị chương trình hành động cho chuyển đổi số, kinh tế số. Dịch bệnh xảy ra là chất xúc tác đôi chút thúc đẩy chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Khi dịch bệnh xảy ra, đòi hỏi mọi người hạn chế tiếp xúc trực tiếp để tránh lây lan. Do đó, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, việc áp dụng kinh tế số, thương mại điện tử giúp cho người lao động không phải đến công sở, công ty mà có thể làm việc ở nhà và hoàn thành công việc qua mạng. Công ty có thể tổ chức hội nghị trực tuyến, trao đổi trực tuyến… khi đó, người lao động không mất thời gian đi lại, không gây ách tắc giao thông. Hình thức này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được nền kinh tế số. Ông Doanh phân tích: Việt Nam có quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ thích dùng điện tử và áp dụng điện tử khá nhanh. Đồng thời, kinh tế số hiện nay được Chính phủ rất quan tâm và đã thiết lập được mạng 3G, 4G và sắp có mạng 5G. Sắp tới Việt Nam có khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế số.

Cùng quan điểm, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Thế Anh nhận định, kinh tế số ở Việt Nam phát triển khá nhanh trong mấy năm gần đây ở cả cơ quan nhà nước và khối tư nhân. Các thủ tục hành chính và một số dịch vụ công đã được thực hiện điện tử. Khu vực tư nhân có ngành thương mại điện tử phát triển và nền tảng thương mại điện tử khác cũng phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, sự đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn hạn hẹp, chưa có nhà phát minh sáng chế hay những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ. Chúng ta mới đang chủ yếu là làm theo những phát minh của thế giới.

Quản lý bằng tư duy “số”

Để đẩy nhanh nền kinh tế số, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay có nhiều bạn trẻ có chuyên môn về kinh tế số ở Việt Nam nhưng đang làm việc cho nước ngoài như Singapore, Mỹ, Thụy Điển và họ được trả lương qua ngân hàng. Việt Nam nên khuyến khích và có khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện công việc đó ở trong nước. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết lại với nhau và tham gia vào chuỗi giá trị của công ty lớn. “Cần khuyến khích và tạo điều kiện để ngay cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể thực hiện được kinh tế số”, ông Doanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, vấn đề về nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Mặc dù số người sử dụng internet và máy tính rất nhiều nhưng chủ yếu dùng để đọc thông tin, trao đổi, nói chuyện với nhau do đó họ cần phải được đào tạo và hướng dẫn. “Đan Mạch có trình độ kinh tế số phát triển nhất thế giới. Khi thực hiện kinh tế số, Chính phủ Đan Mạch đã mở lớp cho công dân trên 16 tuổi học cách sử dụng kinh tế số, internet, tra cứu Chính phủ điện tử”, ông Doanh chia sẻ. Cùng với đó, đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ và giáo dục, coi trọng đổi mới giáo dục, đào tạo theo yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số.

Về chính sách, nhà nước cần khuyến khích để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được ưu đãi thuế, dễ tiếp cận với nguồn vốn hơn nữa. Có một thực tế, nhiều doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ có xu hướng chuyển công ty mẹ ra nước ngoài để dễ huy động nguồn vốn ở bên ngoài hơn.

Điều quan trọng, theo ông Phạm Thế Anh, cán bộ quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý theo hướng tư duy “số”. Nhưng để làm được điều này không dễ vì ngoài nguyên nhân rằng: Cơ quan quản lý luôn có tâm lý muốn quản lý, kiểm soát, không dám thay đổi và mạo hiểm chấp nhận cái mới thì còn nguyên nhân về lợi ích nhóm. Do đó, cần có các quy định rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và có chế tài mạnh đối với nơi nào gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp trong nước, cần coi trọng phát triển và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Đồng thời, hội nhập thị trường kinh tế số với bên ngoài, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ có nguồn gốc nước ngoài vào Việt Nam khởi nghiệp, hoạt động kinh doanh để thúc đẩy cạnh tranh. Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng quy hoạch và chiến lược hội nhập, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới. Chủ động nhắm tới các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ của thế giới, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và vùng một cách hợp lý.

Ngoài ra, Việt Nam cần chủ động tham gia các nỗ lực hợp tác quốc tế, các cơ chế, sáng kiến hợp tác, liên kết quốc tế, khu vực. Các lĩnh vực hợp tác quan trọng bao gồm: Bảo đảm an ninh an toàn không gian mạng, thu thuế xuyên biên giới qua không gian mạng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, ngăn chặn và chống các loại tội phạm công nghệ, tạo thuận lợi cho kết nối hạ tầng và thanh toán số nhằm hỗ trợ các giao dịch xuyên quốc gia, bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới. Đồng thời, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng internet, nhanh chóng triển khai các dịch vụ mạng 5G, chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghệ cốt lõi của Cách mạng Công nghiệp 4.0. 

An Thiện