Chất vấn tại nghị trường: Thủ tục chất vấn

- Thứ Sáu, 28/12/2007, 00:00 - Chia sẻ
Thủ tục chất vấn được bắt đầu bằng yêu cầu chất vấn của các nghị sỹ, thường được gửi đến Chủ tịch Nghị viện để chuyển tới Thủ tướng, hoặc thành viên của Chính phủ.

      Theo Nội quy của nhiều nước, yêu cầu chất vấn phải ghi rõ các vấn đề chất vấn và tên cụ thể của người bị chất vấn. Ngoài ra, nhằm tránh những yêu cầu chất vấn không thỏa đáng, Nghị viện nhiều nước còn quy định yêu cầu chất vấn phải thu nhận được một lượng nhất định các chữ ký đồng tình của các nghị sỹ.
      Tiếp đó là xác định thời gian tiến hành phiên họp toàn thể để thực hiện thủ tục chất vấn. Rất nhiều nước quy định Văn phòng Nghị viện và Chính phủ sẽ thảo luận, thỏa thuận để Chính phủ có đủ thời gian chuẩn bị câu trả lời. Một số nước quy định, nếu Chính phủ không trả lời chất vấn trong khoảng thời gian đã định thì với yêu cầu của một lượng nghị sỹ nhất định, Nghị viện có quyền đơn phương xác định thời gian chất vấn và thông báo lại cho Chính phủ.
      Tại phiên chất vấn, các nghị sỹ đưa ra nội dung chất vấn của mình và Thủ tướng hoặc thành viên Chính phủ bị chất vấn trả lời câu hỏi chất vấn trong một khoảng thời gian hạn định (nhiều nhất là 15 phút). Sau đó, các nghị sỹ có quyền đặt câu hỏi phụ đối với vấn đề chất vấn. Các câu hỏi phụ này được các nghị sỹ gửi lên Chủ toạ của phiên chất vấn và người bị chất vấn phải trả lời ngay câu hỏi. Thông thường, Nội quy Nghị viện các nước giới hạn cho thời gian trả lời của mỗi câu hỏi phụ là 10 phút. 

      Cuối cùng, Nghị viện cũng phải đưa ra ý kiến của mình. Nếu Nghị viện không đưa ra ý kiến thì thủ tục chất vấn không đạt được mục đích vốn có của nó. Nghị viện các nước thường có ba hình thức biểu quyết về trả lời chất vấn. Thứ nhất, Nghị viện biểu quyết thỏa mãn, khi đó, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm không phải đặt ra. Thứ hai, Nghị viện biểu quyết không thỏa mãn. Với kết quả này, Nghị viện sẽ có thể đặt vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ theo chế độ trách nhiệm tập thể, hoặc có thể đưa ra các khuyến nghị từ chức đối với các thành viên của Chính phủ (thông thường các thành viên này sẽ buộc phải từ chức để tránh sự sụp đổ tập thể của Chính phủ). Thứ ba, Nghị viện biểu quyết một cách trung dung, không bao hàm ý nghĩa tán thành hay không tán thành với câu trả lời. Trong trường hợp này, Nghị viện không thảo luận gì thêm và tiếp tục nghị trình.
Ở Thụy Điển, mỗi tuần Nghị viện dành 1 giờ để 5 bộ trưởng trả lời trực tiếp các nghị sỹ và 3 tuần một lần, Thủ tướng phải trả lời chất vấn. Các câu hỏi đề cập đến các vấn đề thời sự cập nhật vào khoảng thời gian diễn ra chất vấn.

Minh Thy