Chất vấn tại nghị trường: Hệ quả của chất vấn

- Thứ Sáu, 28/12/2007, 00:00 - Chia sẻ
Trước hết, chất vấn dẫn đến hệ quả chính trị. Chất vấn là công cụ giám sát hữu hiệu nhất của Nghị viện các nước, vì nó buộc Chính phủ phải nhận trách nhiệm của mình.

      Ở các nước thuộc chính thể đại nghị hoặc chính thể hỗn hợp, hình thức chất vấn có thể dẫn đến việc đặt vấn đề ủng hộ hay phản đối hoạt động của Chính phủ, thậm chí có thể dẫn đến một nghị quyết bỏ phiếu bất tín nhiệm, dẫn đến việc Chính phủ từ chức. Chẳng hạn, theo Khoản 2, Điều 111, Hiến pháp Tây Ban Nha, “Bất kỳ cuộc chất vấn nào cũng có thể là lý do để đưa ra nghị quyết, qua đó các viện phản ánh quan điểm của mình”.
      Hệ quả chính trị của chất vấn cũng thể hiện ở chỗ, chất vấn xét về một khía cạnh nào đó là sự cảnh báo của Quốc hội về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của các cơ quan quản lý.
      Bên cạnh đó, chất vấn cũng có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho Nghị viện đánh giá, phê bình Chính phủ vì làm hay không làm điều gì đó. Bằng cách này, các nghị sỹ có thể buộc các bộ trưởng chia sẻ thông tin. Ngay cả khi đơn thuần hỏi-đáp mà không biểu quyết về thái độ của Nghị viện đối với trả lời của Chính phủ, họat động này của Nghị viện cũng đã buộc Chính phủ phải giải trình đã làm được gì, chưa làm được gì, tại sao, và những dự định sẽ thực hiện trong tương lai.
      Chất vấn cũng mang lại hệ quả xã hội to lớn, thường là có tác động rộng rãi hơn hệ quả chính trị. Chất vấn thu hút sự chú ý rộng rãi của công luận về vấn đề nào đó, tạo sức ép để Chính phủ giải quyết nhanh hơn. Chẳng hạn, mỗi năm Nghị viện Canada họp khoảng 150 ngày. Trong thời gian đó, hàng ngày Nghị viện đều có lịch chất vấn. Phần lớn ý kiến của cử tri về Chính phủ được hình thành trên cơ sở những gì họ thấy từ những buổi chất vấn (và từ các hoạt động khác của Nghị viện) được phản ánh qua truyền hình và báo chí. Việc truyền hình hay truyền thanh trực tiếp và các bình luận của báo chí về những buổi trả lời chất vấn của các quan chức Chính phủ đã tạo nên luồng công luận mạnh mẽ và gây áp lực xã hội lớn. Ở một số nước đa số bộ trưởng phải từ chức do áp lực của công luận chứ không nhất thiết là áp lực từ phía Nghị viện.

Hoài Thu

      Chất vấn Thủ tướng Anh

      Thủ tướng Anh thường trả lời chất vấn vào 12h trưa và kéo dài trong khoảng 30 phút. Mỗi tháng, Thủ tướng phải trả lời chất vấn khoảng 2 tiếng (còn Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ thường chỉ một tiếng). Thông lệ này được áp dụng từ năm 1961. Trong thời gian từ năm 1961-1997, Thủ tướng trả lời chất vấn 2 lần một tuần vào ngày thứ ba và thứ năm. Từ năm 1997-2003, chất vấn chỉ diễn ra một lần một tuần vào chiều ngày thứ tư.

      Thông thường khi chất vấn, nghị sỹ sẽ đưa ra một câu hỏi chính đầu tiên yêu cầu Thủ tướng liệt kê các công việc trong ngày chất vấn. Sau đó, nghị sỹ có thể đưa ra bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến trách nhiệm của Thủ tướng hoặc các chính sách của Chính phủ. Các nghị sỹ khác được yêu cầu đặt những câu hỏi phụ.

      Câu hỏi phụ phải xuất phát từ câu hỏi chính nhưng không có bất kỳ giới hạn nào. Lãnh đạo 4 đảng đối lập lớn nhất được hỏi từ 3-4 câu hỏi phụ liên tiếp. Lãnh đạo đảng đối lập lớn tiếp theo được hỏi hai câu hỏi phụ.

      Chất vấn khẩn cấp

      Điều này xảy ra khi có một vấn đề bất ngờ và khẩn cấp mà Nghị viện Anh thấy cần phải thảo luận với Bộ trưởng phụ trách vấn đề đó ngay lập tức. Nghị sỹ phải báo cho Chủ tịch Nghị viện về yêu cầu chất vấn trước buổi trưa ngày thứ 2 hoặc thứ 3; 10h30 phút sáng thứ tư, 9h30 sáng thứ năm hoặc 10h sáng thứ sáu nếu muốn chất vấn ngay trong ngày hôm đó và Chủ tịch Nghị viện sẽ quyết định có tiến hành chất vấn hay không. Bên cạnh việc phải thỏa mãn các nguyên tắc như câu hỏi chất vấn thông thường, câu hỏi khẩn cấp phải thỏa mãn hai điều kiện: Phải là vấn đề khẩn cấp; Có tính chất công. Trên thực tế, câu hỏi khẩn cấp thường yêu cầu Bộ trưởng đưa ra tuyên bố về một vấn đề nào đó vừa xảy ra.