Chất vấn tại nghị trường: Chất vấn và sự đeo bám trách nhiệm

- Thứ Sáu, 28/12/2007, 00:00 - Chia sẻ
Đối với nhiều nước, chất vấn là hoạt động không thể thiếu của cơ quan lập pháp bởi đó là công cụ để thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân, chức năng giám sát. Bên cạnh đó, về phía cơ quan hành pháp, chất vấn cũng là tấm gương phản chiếu để tự soi lại mình.

      Chất vấn là một trong những phương thức thiết yếu giúp Nghị viện nhiều nước áp đặt trách nhiệm chính trị lên Chính phủ. Điều này thể hiện qua việc các nghị sỹ đối lập sử dụng cơ hội này để buộc Chính phủ phải giải trình, hoặc phê phán chính sách của Chính phủ, thậm chí ra nghị quyết về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Một mục đích khác của chất vấn là kiểm tra năng lực của quan chức trong việc nắm bắt và điều chỉnh các lĩnh vực được phân công. Để thực hiện mục đích này, Nghị viện nhiều nước, nhất là Nghị viện của các nước theo mô hình của Anh, thường không thông báo trước nội dung chất vấn. Vì vậy, nếu một Bộ trưởng nắm vững lĩnh vực được phân công thì mới trả lời được các câu hỏi đặt ra, được tín nhiệm hơn, còn ngược lại, uy tín sẽ bị giảm sút.
      Ở một số nước có những cơ chế giúp Nghị viện đeo bám đến cùng những vấn đề mà Chính phủ đã trả lời trước Nghị viện. Ví dụ, năm 1997, trước khi diễn ra tổng tuyển cử, Nghị viện Anh đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Chính phủ cung cấp thông tin chính xác và trung thực về toàn bộ nội dung trả lời chất vấn trước Nghị viện. Ủy ban về hành chính công của Hạ viện Anh có trách nhiệm theo dõi sự tuân thủ của các bộ đối với những quy định trong các nghị quyết nói trên khi trả lời trước Nghị viện và đã công bố nhiều báo cáo về việc này trên trang web của Ủy ban.
      Đối với những câu trả lời chưa hài lòng, các nghị sỹ Anh không có quyền hỏi tiếp. Cách đây không lâu, một số nghị sỹ đã đưa vấn đề này ra trước Hạ viện, vì họ cho rằng những câu trả lời của Chính phủ là chưa đầy đủ. Chủ tịch Hạ viện trả lời rằng, các nghị sỹ có thể hỏi câu hỏi khác, hoặc dùng những thủ tục khác để nhận được thông tin mình cần, hoặc họ có thể liên hệ với Ủy ban về hành chính công. Các báo cáo của Ủy ban này cho thấy, tỷ lệ Chính phủ đáp ứng yêu cầu của Nghị viện rất cao. Trong hai năm 2004-2005, tỷ lệ này là 98%. Các bộ phải viện dẫn đúng các quy định về bí mật quốc gia hoặc bí mật thương mại khi từ chối trả lời câu hỏi của các nghị sỹ. 
      Khi các nghị sỹ hỏi một thành viên Chính phủ theo thủ tục chất vấn thì thông tin, số liệu không phải là vấn đề chính. Vấn đề chính ở đây là: Người bị chất vấn có biết về việc đó không? Tại sao lại để nó xảy ra? Hướng xử lý như thế nào? Cần phải rút kinh nghiệm ở đâu? Chế độ trách nhiệm ra sao?
      Có thể hình dung quá trình áp đặt trách nhiệm trong chất vấn như sau: Đầu tiên là xác định phạm vi trách nhiệm của người trả lời chất vấn; Tiếp theo, người trả lời cần phải giải trình trước Nghị viện những vấn đề được hỏi, nếu Nghị viện thỏa mãn, hài lòng với giải trình đó, coi như đã “trả bài” xong. Khi câu hỏi đã khoanh vùng trách nhiệm của từng người trả lời chất vấn, người chất vấn mong chờ ở các Bộ trưởng năng lực giải trình, thể hiện mức độ nắm bắt vấn đề, cũng như giải pháp và thời hạn khắc phục vấn đề. Nếu không, bước tiếp theo sẽ là quy trách nhiệm - có thể dưới hình thức một nghị quyết (mà bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những hình thức quy trách nhiệm). Tuy nhiên, chế tài cao nhất mà hoạt động chất vấn có thể dẫn đến là bỏ phiếu tín nhiệm ít khi được áp dụng. Do đó, tác dụng lớn nhất của chất vấn là tạo nên một sức ép áp đặt trách nhiệm lên những người trả lời chất vấn. Chất vấn là nhằm để các bộ trưởng luôn cảm thấy áp lực đó để làm việc tốt hơn.

Nguyên Lâm