Chất vấn tại nghị trường: Chất vấn chứ không phải hỏi - đáp

- Thứ Sáu, 28/12/2007, 00:00 - Chia sẻ
Chất vấn là gì? Chất vấn (interpellation), theo định nghĩa của từ điển Webster’s 1913 Dictionary là yêu cầu quan chức giải thích hoạt động, hành động của mình; Là những câu hỏi buộc phải trả lời; Là vấn đề nổi lên trong khi tranh luận.

      Còn từ điển mạng (WordNet Dictionary) giải thích đó là quy trình trong Nghị viện nhiều nước nhằm yêu cầu Chính phủ giải thích một động thái hoặc chính sách của mình. Đó là yêu cầu bằng văn bản của cả Nghị viện hoặc một nhóm nghị sỹ đối với Chính phủ hoặc Bộ trưởng giải trình về một vấn đề chính trị lớn, hoặc đường lối chính trị chung của Chính phủ. Quy chế của Hạ viện Italy định nghĩa chất vấn như một yêu cầu “dưới hình thức văn bản buộc Chính phủ giải trình về kết quả hoạt động của mình và dự định tiếp theo của Chính phủ”. Nói cách khác, có thể coi chất vấn là yêu cầu của nghị sỹ đối với Thủ tướng, hay các thành viên của Chính phủ trước phiên họp toàn thể của Nghị viện để trả lời về việc thực thi chính sách, hay một vấn đề nào đó của quốc gia.

      Chất vấn có giống hỏi đáp?
      Thông thường, hình thức chất vấn được áp dụng ở các nước với chính thể đại nghị (Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển, Nhật, Na Uy...). Thế nhưng, hình thức này lại không được áp dụng ở Anh, mà thay vào đó là hỏi - đáp (question time). Với hình thức hỏi-đáp, các nghị sỹ hỏi Chính phủ về mọi vấn đề trong một phiên họp. Mục đích của loại chất vấn này là để kiểm tra xem vị bộ trưởng có nắm chắc công việc không, hoặc để cảnh báo về những vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống. Câu hỏi chỉ yêu cầu cung cấp thông tin về một sự việc cụ thể nào đó và không được bao hàm sự quy kết. Hỏi – đáp cũng khác với chất vấn ở chỗ hình thức này không đi đến một cuộc biểu quyết thoả mãn hay không thoả mãn về trả lời của Chính phủ. Các câu hỏi và trả lời có thể là trực tiếp hoặc bằng văn bản. Nói chung, các nghị sỹ thường ưa thích hỏi-đáp trực tiếp, còn các bộ trưởng thích trả lời bằng văn bản. Ở Hạ viện Anh, vào năm 2004, số lượng các câu trả lời trực tiếp chỉ bằng một nửa so với năm 1964. Một trong những nguyên nhân chính là Chủ tọa ngày càng ít cho phép các nghị sỹ đối lập nêu các câu hỏi phụ, và người ta cho rằng, hỏi-đáp đã trở thành nơi đấu khẩu giữa các chính đảng lớn, chứ không còn là phiên họp dành cho phe đối lập như trước đây.
      Trong khi đó, chất vấn có phạm vi vấn đề rộng hơn. Các câu hỏi được gửi bằng văn bản, nhưng được các bộ trưởng trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Sau khi trả lời, mọi nghị sỹ đều có quyền tham gia vào thảo luận (debate) và đối thoại về vấn đề chất vấn. Chất vấn bao giờ cũng dẫn tới thủ tục Nghị viện thông qua một nghị quyết về trách nhiệm của quan chức có liên quan và về các giải pháp được đề ra để giải quyết vấn đề. Ví dụ điển hình là các phiên chất vấn tại Quốc hội Pháp thời Đệ tam và Đệ tứ Cộng hòa thường kéo theo thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ.
      Chất vấn và hỏi - đáp thường chỉ có ở các quốc gia theo chính thể đại nghị hoặc chính thể hỗn hợp, ít có ở các nước có chính thể Cộng hòa Tổng thống bởi, trong chính thể này, Tổng thống cũng là người đại diện của nhân dân chứ không phải là người do nghị viện lập nên. Nếu đối chiếu với thực tiễn của Việt Nam, chất vấn mà Quốc hội nước ta vẫn tiến hành bao hàm cả hai nghĩa nói trên, tức là cả chất vấn và hỏi-đáp.

Nguyễn Lê