Chất vấn đã bám sát tình hình kinh tế - xã hội đất nước và phản ánh trúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:27 - Chia sẻ
Khép lại hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ Ba, nhiều vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội và những yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành đã được các thành viên Chính phủ nghiêm túc giải trình trước QH, trước cử tri. Nhìn lại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐBQH cho rằng, chất vấn đã bám sát tình hình kinh tế – xã hội đất nước và phản ánh trúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Với phần trả lời của các thành viên Chính phủ, có đại biểu hài lòng, những cũng có đại biểu chưa thỏa mãn vì Bộ trưởng trả lời không đúng trọng tâm và quá chung chung… Tuy nhiên, theo các ĐBQH, điều quan trọng nhất là hậu chất vấn. Các thành viên Chính phủ cần khẩn trương thực hiện những điều đã hứa trước QH và xử lý dứt điểm những hạn chế, yếu kém mà ĐBQH đã nêu ra.
 

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Với các vụ việc cụ thể, các Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và đưa ra được những giải pháp xử lý

Phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng đã đi đúng vào nội dung được chất vấn. Tuy nhiên, do một số câu hỏi của ĐBQH có phạm vi rộng nên các Bộ trưởng trả lời chất vấn chưa sâu, chưa trúng vấn đề, kể cả khi sự tiếp sức của các Bộ trưởng khác. Đối với những chất vấn đi vào vụ việc cụ thể, tôi đánh giá cao việc các Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và đưa ra được những giải pháp để xử lý. Ví dụ, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với quyết tâm sẽ cố gắng hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vào cuối năm 2013. Và liền đó là lời hứa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét quan tâm đến việc sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân để tham gia vào việc góp vốn với các doanh nghiệp sử dụng đất. Tôi cho rằng, nếu hai lời hứa này được thực hiện sẽ góp phần giải quyết những bức xúc về vấn đề đất đai đang bị thu hồi hiện nay. Cá nhân tôi cũng sẽ theo dõi, giám sát các nội dung mà hai Bộ trưởng này đã hứa trong phiên chất vấn. Nếu các Bộ trưởng thực hiện lời hứa, không hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết, tôi sẽ tiếp tục chất vấn.

Đối với phần hỏi, đa số ĐBQH đều hỏi rõ ràng, mạch lạc. Các câu hỏi mang tính đại diện cho ý kiến, tâm tư của cử tri cả nước; đi sâu vào trách nhiệm của Bộ trưởng, chứ không mang tính chất tâm sự, hay hỏi thông tin hoặc nêu những bức xúc của cử tri địa phương.

 

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Chất vấn của ĐBQH đã bám sát tình hình kinh tế – xã hội đất nước và phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Trong hai ngày rưỡi diễn ra các phiên chất vấn tại hội trường, đã có 4 bộ trưởng và một Phó thủ tướng đăng đàn trả lời các chất vấn của ĐBQH. Về phía các ĐBQH, còn nhiều chất vấn mang tính tổng hợp, cần có câu trả lời của nhiều bộ, ngành. Chất vấn của các ĐBQH đã bám sát tình hình kinh tế - xã hội đất nước và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Về phía các thành viên Chính phủ, tôi thấy đã có nhiều cố gắng trả lời chất vấn một cách tích cực, tuy nhiên vẫn còn những câu trả lời chất vấn chưa trúng nội dung chất vấn của ĐBQH; vẫn còn tình trạng nhiều bộ trưởng mải mê giải thích về cơ chế, chính sách mà chưa đưa ra biện pháp, giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu ra. Có lẽ, do thời gian tiến hành các phiên chất vấn có hạn nên giữa ĐBQH và các thành viên Chính phủ chưa có nhiều cơ hội để đối thoại trực diện và làm rõ vấn đề. Tôi mong rằng ĐBQH sẽ có nhiều cơ hội hơn để truy đến cùng những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Thời gian qua, một số lĩnh vực của nền kinh tế cũng như đời sống xã hội nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng trong cái đạt được đó vẫn còn những mặt hạn chế, cần thời gian để Chính phủ từng bước khắc phục. Thể chế chính trị của nước ta vận hành theo phương thức phân công, phân nhiệm, do đó không thể tránh khỏi việc có những vấn đề mà người đứng đầu một bộ, ngành không thể một mình giải quyết được hết mà đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, có sự chung sức, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, ĐBQH mong muốn các Bộ trưởng phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành trong việc giải quyết những bức xúc trong nhân dân, những tồn tại, hạn chế của ngành mình. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tránh bệnh thành tích; cần nhìn thẳng vào sự thật, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, những mặt chưa được và phải có quyết tâm khắc phục, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế đó. Tôi cho rằng, QH và các ĐBQH sẽ theo dõi và chờ đợi kết quả thực hiện những lời hứa, cam kết mà các bộ trưởng đã đưa ra tại các phiên chất vấn của QH.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Ấn tượng nhất là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐBQH đã chủ động nêu nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm, lo lắng, cũng như những bức xúc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở các lĩnh vực mà 4 Bộ trưởng quản lý. Các Bộ trưởng trả lời đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của các ĐBQH. Tôi ấn tượng nhất với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, nhất là trong việc trả lời đầy đủ những nội dung mà ĐBQH chất vấn. Qua trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBQH cũng như cử tri cả nước thấy được quyết tâm của Bộ trưởng trong việc chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nảy sinh trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Còn, phần trả lời mà nhiều ĐBQH cảm thấy chưa hài lòng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ở lĩnh vực tài nguyên – môi trường, Bộ trưởng trả lời còn chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu của ĐBQH và mong mỏi của cử tri.

ĐBQH Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên): Còn có Bộ trưởng trả lời mang tính chất đếm việc

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII đã có sự đổi mới, cải tiến hơn. Có thể thấy, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được nâng lên. Chất vấn của ĐBQH đối với Bộ trưởng đi đúng vào trọng tâm, ngắn gọn, bảo đảm được thời gian, chứ không lý giải dài dòng như trước. Và có những vấn đề, ĐBQH đã truy đến cùng trách nhiệm của các Bộ trưởng.

Đối với phần trả lời của 4 Bộ trưởng, nhìn chung có sự tiến bộ, trả lời ngắn gọn hơn. Tuy nhiên, còn có Bộ trưởng trả lời mang tính chất đếm việc. Ví dụ phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương, nội dung chất vấn là những vấn đề bức xúc nhất trong lĩnh vực giá cả, xăng dầu, điện lực, kinh doanh các mặt hàng lương thực, nông sản của người dân, nhưng Bộ trưởng trả lời chưa đi sâu, chưa cụ thể. Theo tôi, Bộ trưởng Bộ Công thương chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề với cách trả lời như vậy. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa làm rõ một số vấn đề thuộc về các dự án đầu tư sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn bám vào cơ chế, quy định của pháp luật để không nhận hết trách nhiệm trong việc thất thoát tài sản công của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với trách nhiệm của các Bộ trưởng với tư cách là những tư lệnh ngành cần phải có những quy định, những đề xuất để đưa lĩnh vực Bộ quản lý đi vào quỹ đạo. Bộ trưởng phải xác định được đúng trách nhiệm của mình.

 

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Hứa để cho qua chuyện thì… dễ

Tôi đã được tham dự gần 20 Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các Kỳ họp của QH. Điều đáng ghi nhận là, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của QH ngày càng có nhiều đổi mới tích cực. Việc các ĐBQH ngày càng hăng hái đăng ký chất vấn cho thấy sức sống của hoạt động này. Các Bộ trưởng cũng ngày càng ý thức được ý nghĩa quan trọng của các phiên chất vấn của ĐBQH và đang chuyển dần từ quan niệm bị chất vấn sang được chất vấn.

Về phiên chất vấn lần này, cá nhân tôi thấy hài lòng vì qua phiên chất vấn chúng ta đã có được rất nhiều thông tin. Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời trước QH rằng: các địa phương, các bộ, ngành không chịu báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khoan hãy bàn đến trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng thì ta hiểu rằng, Chính phủ đang vận hành trong tình trạng: một là, Chính phủ chưa có kỷ luật chặt chẽ và hai là, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chưa có một cơ chế phối hợp chặt chẽ. Bộ trưởng nói chúng tôi không được đụng chạm đến Vinalines, không được đụng chạm tới các Tập đoàn kinh tế vì quy định của luật pháp là như thế – như vậy, thông qua chất vấn, QH phát hiện được những vấn đề này để điều chỉnh ngay.

Tôi nghĩ, muốn bộ máy vận hành tốt thì không đơn thuần là Bộ trưởng làm tốt hơn trách nhiệm mà cái chính vẫn là phải có cơ chế tốt hơn. Có cơ chế tốt hơn thì các Bộ trưởng sẽ làm việc tốt hơn. Chất vấn của các ĐBQH đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đất đai chẳng hạn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ nhìn và quản lý đất đai với tư cách là một tài nguyên quốc gia được sử dụng như thế nào thôi, còn thực tế được sử dụng như thế nào thì liên quan đến rất nhiều yếu tố, đất nông nghiệp khác, đất công nghiệp khác... – rất nhiều cơ quan tham gia quản lý, đặc biệt, việc quản lý đất đai còn liên quan đến việc xác định mối quan hệ giữa Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương, sự phân cấp và vai trò của các địa phương như thế nào? Những ý kiến trả lời chất vấn của các Bộ trưởng trong hai ngày rưỡi chất vấn cho QH thấy rất nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách và pháp luật để kịp thời điều chỉnh trong các hoạt động giám sát, xây dựng pháp luật. Đó là thẩm quyền và cũng là trách nhiệm của QH.

Tất nhiên, qua Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH còn nhiều vấn đề đặt ra. Có nhiều nội dung trả lời của các Bộ trưởng chưa thỏa mãn được người nghe, chưa thỏa mãn được mong muốn, nguyện vọng của các ĐBQH và cử tri cả nước. Điều này cũng dễ hiểu, vì tâm lý của người chất vấn và tâm lý của cử tri là muốn vấn đề đang bức xúc phải được giải quyết ngay, giải quyết dứt điểm, cử tri muốn giá xăng dầu phải giảm ngay, doanh nghiệp muốn phải cứu chúng tôi ngay… Nhưng rõ ràng, với cơ chế hiện nay, có những việc không thể giải quyết ngay được.

Lâu nay, nhiều Bộ trưởng hứa những điều mà chắc chắn ai cũng biết là với cơ chế này thì không thực hiện được. Tôi không bênh vực hay bao che cho trách nhiệm của các Bộ trưởng vì trách nhiệm của một Bộ trưởng như thế nào đã được pháp luật quy định rõ. Nhưng cũng phải thấy rằng, các Bộ trưởng đang điều hành công việc trong một cơ chế như thế nào? Nếu phân định được cái này Bộ trưởng làm đúng chức năng, cái kia không làm đúng chức năng thì hoàn toàn có quyền quy kết trách nhiệm của họ, thậm chí là tiến hành bãi, miễn Bộ trưởng. Khi đó lời hứa của Bộ trưởng mới có giá trị, còn hứa để cho... qua chuyện thì dễ lắm. Với tư cách là ĐBQH, tôi sẽ không chấm điểm Bộ trưởng qua phần trả lời chất vấn mà quan trọng hơn là, qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng thấy được những vấn đề gì đang đặt ra, từ đó xác định được nhiệm vụ của mình góp phần giải quyết những vấn đề đó, cố gắng tác động và thay đổi môi trường hoạt động của Chính phủ theo hướng ngày càng lành mạnh và hiệu quả hơn.

Về cách thức chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp của QH, tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, cũng nên có sự thay đổi. Như tôi đã nói ở trên, người dân quan tâm nhiều đến các vụ việc cụ thể và có tác động trực tiếp đến đời sống của họ, chứ thực ra cũng ít quan tâm đến từng ông Bộ trưởng. Trong khi đó, với cách điều hành của Chính phủ hiện nay thì một vụ việc xảy ra thì không chỉ liên quan đến một Bộ. Ví dụ, khi QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải về tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông thì thực chất, vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của Bộ Giao thông – Vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải có thể đưa ra nhiều lời hứa trước QH. Ví dụ, hứa giảm tai nạn giao thông thì Bộ này cũng chỉ có thể bảo đảm giảm được trên hạ tầng giao thông do Bộ quản lý; còn vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông là việc của lực lượng cảnh sát giao thông; vấn đề quy hoạch xây dựng khu dân cư là việc của bộ, ngành khác... Cho nên, tôi rất muốn, để có thể đi vào những vấn đề rất cụ thể của đời sống thì người trả lời chất vấn của QH nên là các Phó thủ tướng phụ trách các mảng, lĩnh vực cùng với những Bộ trưởng liên quan thì những thông tin phản hồi sẽ mang tính chất tổng hợp, mang lại hiệu ứng cụ thể cho đời sống của nhân dân hơn.

P. Thúy - T.Chi – H.Ngọc thực hiện; Ảnh: Khánh Phương