Góc nhìn

Chất lượng thuốc, hiệu quả quản lý

- Thứ Ba, 05/11/2019, 10:39 - Chia sẻ
Mới đây, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết kết quả kiểm tra giám sát chất lượng thuốc thời gian vừa qua đã phát hiện một số thuốc chứa hoạt chất Alphachymotrypsin, men vi sinh vật probiotic không bảo đảm chất lượng lưu hành trên thị trường. Đây không phải phát hiện đơn lẻ trong quá trình tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc mà nhiều vụ việc nghiêm trọng từng bị phát hiện. Thuốc kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, thậm chí vào tới dạ dày người bệnh.

Trước đây, thuốc kém chất lượng thường được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa, nay được phát hiện ở cả thành phố. Thuốc kém chất lượng do thành phần hoạt chất không bảo đảm tiêu chuẩn nên cơ quan chức năng khó phát hiện ngay, còn người bệnh thì “vô tư” sử dụng.

Số liệu gần đây của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dao động khoảng 2 - 3%. Đây là thực trạng đáng lo ngại bởi sự tồn tại dai dẳng của nó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn cả niềm tin của người bệnh, tác động xấu đến liệu pháp điều trị, có khi làm chệch hướng.

Người bệnh không thể biết thuốc kém chất lượng nhưng họ biết thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường rõ ràng là do quản ký kém. Chưa kể hành vi nhũng nhiễu, làm ngơ, thờ ơ, quan liêu của một bộ phận cán bộ chức năng trong kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực chuyên sâu và còn độc quyền trong phân phối.

Để ngăn chặn tình trạng này, chỉ sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh dược phẩm là chưa đủ. Đã đến lúc không chỉ dừng ở “phát hiện” thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường, mà phải xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức tiền kiểm, hậu kiểm, cho phép thuốc kém chất lượng “chạy” vào thị trường. Xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị sản xuất, tiêu thụ thuốc kém chất lượng. Không chỉ xử phạt về hành chính, kinh tế, mà cần thiết cả hình sự để răn đe, ngăn chặn kịp thời.

Thanh Hà