Chất lượng sữa có khác khi tên gọi thay đổi?

- Thứ Tư, 08/05/2013, 08:29 - Chia sẻ
Việc các loại sữa thay từ tên sữa bột thành sản phẩm dinh dưỡng hay sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Băn khoăn lớn nhất là tên gọi thay đổi thì chất lượng sản phẩm khác đi không?

Lợi dụng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý giá mới chưa được ban hành, trong khi quy định cũ đã hết hiệu lực từ 1.1.2013, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa đang tìm mọi cách lách luật. Cụ thể, đổi tên đăng ký từ sữa sang sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Vậy, làm thế nào để nhận biết và phân biệt giữa sữa bột và các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng? Trẻ em được dùng các loại sữa hay thực phẩm có thành phần sữa với độ đạm bao nhiêu là hợp lý? Đó là những băn khoăn không chỉ của các bà mẹ, nhất là trong bối cảnh hầu hết việc lựa chọn thực phẩm đều theo cảm tính và quảng cáo ghi trên bao bì.


Nguồn: vnreview.vn
Trước thực trạng hiện nay có nhiều hãng sữa đã đổi tên sản phẩm của mình, Phó cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long giải thích, theo Quy chuẩn Việt Nam, sản phẩm sữa dạng bột phải có hàm lượng 34% độ đạm trở lên. Những sản phẩm trước đây được gọi là sữa, nay không đạt quy chuẩn như vậy sẽ phải đổi tên. Do đó, việc thay đổi tên nhóm sản phẩm để quản lý đúng với quy định, về bản chất sản phẩm không thay đổi. Ví dụ, trước đây sữa cho trẻ nhỏ lượng protein là 18 thì bây giờ vẫn là 18. Tức là bản chất sản phẩm không thay đổi, chỉ thay đổi nhóm tên để phù hợp với quy chuẩn hiện hành.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, người tiêu dùng không phải lo lắng trước thay đổi tên gọi của sữa, nhưng thực tế lại xuất hiện tình trạng mỗi doanh nghiệp gọi tên sản phẩm một kiểu khác nhau. Chính chuyên gia ngành sữa cũng không biết chính xác nên gọi các sản phẩm đó là gì. Theo PGs Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc chậm có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá là căn nguyên của việc các hãng sữa đẩy giá, thay tên, đổi nhãn mác sản phẩm và bán với giá cắt cổ. Ông Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng quy chế tính giá thành các loại sữa, hướng dẫn việc xác định độ đạm chính xác để tránh bị lợi dụng quy chuẩn khác nhau giữa các cơ quan.

Theo Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng gồm 3 nhóm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó, những sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất dành cho trẻ em thì được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung. Thực tế cho thấy, khi đăng ký với cơ quan quản lý, doanh nghiệp khai thực phẩm dinh dưỡng, nhưng khi quảng cáo trên truyền thông vẫn gọi là sữa bột. Trực tiếp đối chiếu với các tờ khai hải quan cũng cho thấy, tất cả các hãng sữa nhập khẩu đều lách luật bằng cách ghi đăng ký với Bộ Y tế là thực phẩm dinh dưỡng bổ sung, nhưng có chữ “thực phẩm dinh dưỡng bổ sung: sữa bột”. Với cách ghi này, Hải quan vẫn phải cho thông quan vì doanh nghiệp kê khai theo đúng quy định của Bộ Y tế. Bằng cách khai báo này, sản phẩm sẽ được đánh mã nhập khẩu khác và tránh được việc tăng giá. Hiện sữa nhập khẩu bán ra thị trường với mức giá bao nhiêu, cơ quan quản lý vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu.

Phạm Hạnh