Chất lượng sẽ làm nên danh tiếng

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:44 - Chia sẻ
Qua 21 kỳ tổ chức, đến nay, Liên hoan phim Việt Nam đang dần thiếu sức hút với nhiều người trẻ làm nghề và công chúng. Thực tế đó đòi hỏi sự kiện điện ảnh này cần được tổ chức chuyên nghiệp, thu hút các tác phẩm chất lượng, nhằm khẳng định tầm vóc của một thương hiệu quốc gia.

Thiếu sức hút với nghệ sĩ và công chúng

Kể từ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội (ngày 18 - 25.8.1970), đến nay, đã tròn 50 năm Việt Nam có một sự kiện điện ảnh mang tầm quốc gia, với 21 kỳ tổ chức. Có thể thấy, LHP Việt Nam đã là nơi tôn vinh các thành tựu nổi bật của điện ảnh nước nhà; tri ân đóng góp của nghệ sĩ; tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ và nhà quản lý, nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim trao đổi kinh nghiệm...

Tại Hội nghị Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam, do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 29.7, ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho rằng: Nói tới liên hoan phim, nghệ sĩ phải cảm nhận đó là sân chơi quan trọng để giới thiệu tác phẩm, nơi họ được tôn vinh và trao đổi nghề nghiệp. LHP Việt Nam hiện nay vẫn thu hút các nghệ sĩ kỳ cựu tham gia, nhưng nghệ sĩ trẻ lại hờ hững. Trong khi liên hoan phim muốn phát triển phải có sự kết nối, hưởng ứng của nhà làm phim trẻ. Đây là thực tế mà ban tổ chức phải quan tâm, đổi mới về chương trình hoạt động, cơ cấu giải thưởng...

4 lần liên tiếp tham gia LHP Việt Nam, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thấy đây là một dịp rất quý để tổng kết lại chặng đường 2 năm của điện ảnh nước nhà, tuy nhiên, sự quảng bá cho liên hoan phim còn nhiều hạn chế: “Chúng ta đang ở thời kỳ 4.0, nhưng công tác truyền thông của liên hoan phim vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ. Mà ở thời điểm đó, sự kiện này lại không bị che lấp bởi hàng chục, hàng trăm sự kiện khác được quảng bá rầm rộ như ở thời điểm này”.

Công tác truyền thông thường chỉ được bắt đầu trước lúc liên hoan phim diễn ra vài tháng. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để công chúng có thể biết, tiếp nhận, chứ chưa nói đến tò mò và háo hức về sự kiện. Hơn nữa, đây là liên hoan phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nên mặc định của khán giả là chủ yếu dành cho những phim do Nhà nước đặt hàng, mặc dù sự thật hoàn toàn ngược lại. Ví dụ sống động là phim “Em chưa 18” hay “Song lang” đoạt giải Bông sen Vàng ở 2 kỳ liên hoan phim gần đây đều của các nhà sản xuất tư nhân...

LHP Việt Nam cần được tổ chức chuyên nghiệp, thu hút nhiều tác phẩm chất lượng  

Vấn đề cốt lõi là phim hay

"LHP Việt Nam năm 2021 dự kiến diễn ra tại Thừa Thiên Huế. Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm khởi động quảng bá, nhưng đến nay chưa có đề án tổ chức liên hoan phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, mà kế hoạch Nhà nước thì năm nào ra quyết định năm ấy. Vì vậy, đầu năm tới, Cục Điện ảnh mới “vắt chân lên cổ” làm đề án, chuẩn bị các khâu tổ chức...".

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành

Qua nhiều nửa thế kỷ, LHP Việt Nam đã đi vào đời sống điện ảnh và được công chúng đón nhận. Nhưng hiện nay cần có định hướng xây dựng và quảng bá, đổi mới mạnh mẽ để nâng tầm sự kiện điện ảnh này. Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương góp ý: Để LHP Việt Nam có thương hiệu, uy tín, thì phải có nền điện ảnh mạnh, nhiều tác phẩm mang giá trị cao về nội dung, tư tưởng nghệ thuật, có sức lay động tới khán giả. Đây là một trong những vấn đề then chốt. Nhà nước cần có cơ chế chính sách tác động, tạo điều kiện phát triển nền điện ảnh.

Từng làm việc và tham dự liên hoan phim quốc tế, đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng nhận định: Có những kỳ LHP Việt Nam không có phim để trao giải cao nhất, đồng nghĩa với việc lượng phim tham gia thiếu phong phú, mất ổn định, cho thấy chúng ta không có nhiều phim hay, phim tốt. Mà sau cùng chất lượng phim mới chính là cốt lõi của một liên hoan phim. Khi phim hay được trao giải, công chúng trong nước quan tâm, các liên hoan phim quốc tế, nhà phát hành nước ngoài đánh giá tốt, sẽ khẳng định chất lượng của LHP Việt Nam. Theo bà Nguyễn Bích Phượng, Công ty BHD, LHP Việt Nam muốn tạo được sức hút phải có những phim nói về điều khán giả quan tâm, thể hiện được những gì đang diễn ra ở Việt Nam, điều chúng ta hướng tới...

Làm sao để có nhiều phim hay là một câu hỏi khó đối với điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, nhiều người trong nghề cho rằng, không phải không thể làm được. Chẳng hạn, LHP Việt Nam có quỹ đầu tư cho các dự án và cá nhân thực sự có năng lực, tạo ra phim tốt, làm tăng uy tín của LHP Việt Nam và điện ảnh nước nhà. Bên cạnh đó, LHP Việt Nam có thể tổ chức chợ phim với sự tham gia của các nhà phát hành quốc tế, tạo ra cơ hội cho nhà sản xuất, phim Việt Nam, dù là phim kinh phí lớn hay những phim độc lập, có thể bước ra thị trường nước ngoài. Khi có thành quả, thương hiệu liên hoan phim sẽ được khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng, LHP Việt Nam cần phải có Ban giám đốc cố định, hoạt động chuyên nghiệp và liên tục chuẩn bị, chào mời, giới thiệu, quảng bá. Địa điểm tổ chức cũng cố định tại một hoặc vài tỉnh, thành phố để bảo đảm cơ sở vật chất và khán giả đều chuyên nghiệp, góp phần đem đến chất lượng cho liên hoan phim. Điều quan trọng nữa là có Ban giám khảo tốt, gồm các nhà làm phim nổi tiếng, có uy tín quốc tế, tham gia chấm giải cùng các nhà làm phim Việt Nam... để chọn lựa được các tác phẩm mang đậm bản sắc Việt Nam, nhưng cũng hội nhập được với nghệ thuật điện ảnh quốc tế.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: Để LHP Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia có uy tín, chất lượng hấp dẫn trong đời sống nghệ thuật ở trong nước và quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án Quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam. Đã có nhiều ý kiến góp ý cho đề án, có ý kiến khả thi, có thể thực hiện được ngay, nhưng nhiều ý kiến cũng cần cân nhắc, nhiều vấn đề chưa phù hợp với điều kiện, cơ chế quản lý của Việt Nam... Dù vậy, xu thế chung là phải hướng tới vận hành LHP Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp.

Ngọc Phương