Góc nhìn

Chất lượng kém, gánh nặng lớn

- Chủ Nhật, 16/12/2018, 09:09 - Chia sẻ
“Cao tốc nghìn tỷ vừa đưa vào sử dụng đã hỏng”, “cầu vừa thông xe một ngày đã lún nứt”, “đường trăm tỷ vừa xong đã chi chít ổ gà, ổ voi”. Đó là những thông tin xuất hiện liên tiếp trên các báo trong thời gian gần đây. Thực trạng các công trình giao thông không bảo đảm chất lượng diễn ra ở khắp nơi, ở mọi cấp độ công trình, từ nông thôn đến thành thị.

Điểm lại, từ Bắc vào Nam, nhiều công trình mới đưa vào sử dụng đã sụt lún, biến dạng mặt đường, xuống cấp nhanh, gây khó khăn cho người tham gia giao thông, thậm chí là những tai nạn đáng tiếc gây bức xúc cho xã hội. Mới đây nhất, dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên có nguồn vốn tới hơn 4.300 tỷ đồng chỉ sau 3 năm đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng, khiến một người đi xe máy “sụp” ổ gà, thiệt mạng. Trước đó, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh hay cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng một thời gian ngắn đã hỏng, nứt, sụt lún, bong tróc bề mặt tạo những ổ gà, ổ voi. Đó mới chỉ là các tuyến quốc lộ chính yếu, nhiều tuyến quốc lộ khác trong nội vùng, nội tỉnh, nội huyện cũng trong tình trạng tương tự nhưng ít được nhắc đến hơn.

Từ thực trạng các công trình giao thông tại Việt Nam bị xuống cấp trong thời gian qua có thể thấy, sai sót chủ yếu nằm ở phần thi công, do năng lực yếu kém của nhà thầu thi công. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc làm đường, kể cả đường cao tốc, nhất thiết các đơn vị thi công phải có đủ năng lực về trang thiết bị, máy móc, công nghệ, nhân lực, có kinh nghiệm, đồng thời phải tuân thủ các quy trình, quy chuẩn. Trong quá trình triển khai dự án, nếu khảo sát kỹ, làm nền đường tốt, đổ đá đúng chiều dày, chất lượng vật liệu đúng tiêu chuẩn thì đường sẽ tốt. Nhưng như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tới 13 nhà thầu thi công, trong đó nhiều nhà thầu không có tên tuổi, kinh nghiệm làm đường cao tốc, chất lượng công trình kém cũng là điều dễ hiểu. Nhưng vì sao các nhà thầu yếu kém lại trúng thầu được các dự án lớn? Ai phải chịu trách nhiệm khi “vừa dùng đã hỏng”?

Việc những công trình giao thông lớn được đầu tư hàng tỷ USD, đa phần từ nguồn vốn đi vay, được kỳ vọng là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, của đất nước nói chung nhưng lại bị hư hỏng ngay sau khi đưa vào khai thác. Thực trạng chất lượng công trình kém trong lĩnh vực giao thông chỉ khiến những đơn vị, cá nhân phải “kiểm điểm”, “xem xét trách nhiệm”. Nhưng cụ thể, trách nhiệm được làm rõ đến đâu thì người dân hầu như không được biết. Chỉ có người tham gia giao thông phải gánh chịu những hệ lụy của công trình kém chất lượng.

Chúng ta đi vay để đầu tư phát triển, là lẽ bình thường ở một quốc gia đang phát triển, kỳ vọng đạt được tốc độ cao. Công bằng mà nói, nhờ những nguồn vốn ấy, bộ mặt đất nước đã thay đổi rất nhiều. Nhưng những thành quả đó sẽ bị bào mòn, khi nguồn chi không được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả cho mục tiêu phát triển. Thực tế, áp lực trả nợ của chúng ta đang tăng nhanh, theo kịch bản nợ công mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hồi tháng 8 cho thấy nhiều dấu hiệu lo ngại khi mỗi người dân Việt Nam năm 2018 dự tính sẽ phải gánh 35 triệu đồng, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31 triệu đồng). Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, lãng phí nguồn lực, “xóa nhòa” nỗ lực, thành quả tăng trưởng cao của nền kinh tế. Hệ lụy là gánh nợ càng thêm nặng với ngân sách nhà nước.

Với 66km của dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên, Bộ Giao thông - Vận tải vừa phê duyệt “gói” đầu tư bổ sung một số hạng mục trị giá hơn 113 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho khắc phục, sửa chữa mặt đường đã là gần 57 tỷ đồng. Đường hư hỏng do làm ẩu, ngân sách mất thêm tiền khắc phục. Muốn con cháu chúng ta ngày mai bớt nặng nề với những đồng vốn đi vay, không có cách nào khác, phải có sự lựa chọn để đồng vốn ấy mang lại hiệu quả tốt nhất. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách; kiểm tra, giám sát chặt các dự án đầu tư, xử lý nghiêm các sai phạm, cải cách mạnh mẽ quản lý đầu tư công ở tất cả các khâu của chu kỳ dự án để tránh việc lãng phí, thất thoát.

Duy Anh