Chắt lọc tinh hoa Hà Nội

- Thứ Hai, 01/10/2018, 08:42 - Chia sẻ
Lê Năng Hiển là một trong số ít họa sĩ sáng tác tự do và sống được bằng các tác phẩm của mình. Những tác phẩm trên nhiều chất liệu, thuộc nhiều thể loại của ông đưa người xem tìm về ký ức đẹp của Hà Nội xưa.

Họa sĩ của Hà Nội

Những ràng buộc đạo lý cùng tư tưởng tân học phương Tây đầu thế kỷ XX đã đưa họa sĩ Lê Năng Hiển gắn bó đời mình với Hà thành văn hiến. Chắt lọc tinh hoa của mảnh đất kinh kỳ đầy biến động, ông nổi lên là một tài tử trong giới nghệ thuật Hà Nội khi có thể đóng kịch, viết văn và vẽ tranh. Dù không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về hội họa, song ông trở thành họa sĩ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, các bức tranh thiếu nữ đã đưa tên tuổi của ông vượt lên nhiều họa sĩ cùng thời, được phong danh hiệu “nghệ sĩ của phái đẹp”.

Họa sĩ Lê Năng Hiển có nhiều năm tìm tòi thể nghiệm trên chất liệu lụa. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận xét, công chúng nhiều người hẳn không quên những tác phẩm lụa mà ông vẽ về Hà Nội, những bức chân dung thiếu nữ bên hoa quỳnh, hoa sen với vẻ đẹp duyên dáng, trắng trong, tha thướt, mộng mơ. Sức thanh xuân căng đầy trong những tà áo lụa dịu dàng. Những thiếu phụ nền nã, đoan trang, mang vẻ đẹp kiêu sa, thanh lịch Tràng An, như những trầm tích đầy quyến rũ. Tất cả được thể hiện đầy ẩn ý trong “Thiếu nữ đón giao thừa”, “Sắc xuân”, “Bên hoa đào”, “Thiếu phụ mùa xuân”…


Chân dung tự họa Lê Năng Hiển - Zuy Nhất (1921 - 2014)

Có lẽ ông bị cuốn hút và yêu thích đến mê mải khi vẽ chân dung thiếu nữ Hà Nội. Không chỉ người trong ngành mà nhiều người ngoại đạo đã xem họa sĩ Lê Năng Hiển là nghệ sĩ của Hà Nội. “Tranh ông lấp đầy khoảng trống về một mảng tranh thiếu nữ Hà Nội, một Hà Nội trong sáng và đầy cảm xúc mà nhiều người còn luyến tiếc. Ông đã bộc lộ ra bằng nghệ thuật, bằng sự nhạy cảm tinh tế, yêu tha thiết, say đắm vẻ đẹp thiếu nữ Hà Nội. Tranh lụa của Lê Năng Hiển đã đạt tới đỉnh cao, đỉnh cao mà ông tự vươn lên bằng sự chân thành và niềm đam mê học hỏi không ngừng qua các giá trị văn hóa, qua bạn bè và qua cuộc đời trải nghiệm của mình”, nhà phê bình Nguyễn Hải Yến nhận xét.

Duy mỹ và đa cảm

Hơn nửa thế kỷ miệt mài lao động sáng tạo, họa sĩ Lê Năng Hiển thể hiện trên mặt lụa tình yêu và lòng trắc ẩn với con người và cuộc sống xã hội, một tình yêu nồng nàn của nghệ sĩ đam mê cái đẹp. Theo họa sĩ Mai Long, điều Lê Năng Hiển quan tâm là lựa chọn đề tài, những mô típ tạo nên hình tượng tiêu biểu nhất mà không sa đà vào những biểu hiện tự nhiên, dễ dãi hoặc những ẩn dụ, trừu tượng vô hồn. Chính vì thế mà tác phẩm của ông chan chứa tình đời, ám ảnh tâm trí người xem.

Khi hội họa Việt Nam tiếp xúc với hội họa phương Tây qua Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Lê Năng Hiển được học theo phương pháp học của Pháp chỉ qua thư từ, trao đổi; được các giáo sư của Trường Mỹ thuật Đông Dương dạy tại các xưởng họa Hà Nội. Dù không tới trường nhưng họa sĩ Lê Năng Hiển nắm rất vững nguyên lý của hội họa, nguyên lý của tạo hình và cách sử dụng chất liệu. Tranh của ông như tích tụ tri thức của hội họa cổ điển châu Âu, hiểu biết sâu sắc vẻ đẹp của thủy mặc Trung Hoa và tranh khắc gỗ Nhật Bản cùng những đường nét trong tranh dân gian Việt Nam.


Tác phẩm “Sắc xuân”

Khi Lê Năng Hiển chuyển từ mỹ nghệ sang nghệ thuật, ngôn ngữ trên tranh sơn mài của ông vẫn mang đặc thù riêng. Họa sĩ Mai Long cho biết, tất cả nội dung và tìm kiếm được ông thể hiện trên các bức tranh cho thấy nhịp điệu, khuynh hướng của một họa sĩ đã trải lòng mình qua rất nhiều giai đoạn lịch sử, qua biến động của thời đại, qua suy cảm của họa sĩ khi đứng trước thiên nhiên.

Có mảng tranh nữa dù ít xuất hiện trong các triển lãm ông từng tổ chức nhưng tác động nhiều đến quá trình sáng tác, đó là tranh lịch sử. Khi họa sĩ Lê Năng Hiển sử dụng các tác phẩm của mình để kể lịch sử, ông đã có được các tác phẩm hoành tráng được trưng bày tại bảo tàng ở Quảng Ninh và Hà Nội, trong đó có bức tranh khổ lớn “Chiến thắng Bạch Đằng giang”, “Trận Ngọc Hồi - Quang Trung đại phá quân Thanh” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.


Tác phẩm “Thiếu phụ mùa xuân”

Có một điều mà nhà phê bình Nguyễn Hải Yến rất kính trọng, là mặc dù trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời làm nghệ thuật, song họa sĩ Lê Năng Hiển vẫn luôn giữ được tâm hồn thanh thản. Từng nét vẽ từ tốn, không dữ dằn, vội vàng hay cẩu thả. “Ông biết chế ngự tình cảm của mình. Xúc cảm trong mỗi bức vẽ được thể hiện qua đường nét cân bằng mà không thái quá, biểu lộ được tâm hồn, cốt cách của một con người vừa ảnh hưởng Nho học, vừa ảnh hưởng Tây học, trong một gia đình danh gia vọng tộc của Hà Nội xưa. Qua hình hài, cảnh sắc hiện diện trên tranh có thể thấy một nghệ sĩ đã trải đời mình, không mơ màng, hoài cổ trên đất Thăng Long, để cống hiến cho hội họa nước nhà những tác phẩm đáng trân trọng”.

Hương Sen