Góc nhìn

Chặt hay lỏng?

- Thứ Hai, 28/10/2019, 07:56 - Chia sẻ
Cán bộ Quản lý thị trường không được lợi dụng hoạt động công vụ bao che, dung túng hoặc thông đồng với tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính để làm trái các quy định của pháp luật nhằm mục đích tham ô, nhận hối lộ dưới mọi hình thức; không được gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính… Đây là quy định tại Thông tư số 18/2019/TT-BCT do Bộ Công thương mới ban hành về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Thông tư đã liệt kê ra những hành vi mà cán bộ quản lý thị trường không được làm rất cụ thể. Đây chính là những quy định cấm. Nhưng việc xác định vi phạm và đánh giá mức độ vi phạm như thế nào thì rất chung chung: Công chức vi phạm quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Vấn đề tồn tại lâu nay là từ khâu thực thi do quy định “chặt” mà “lỏng”. Chặt vì quy định rất cụ thể từng hành vi không được làm. Lỏng vì không rõ cơ chế chủ động phát hiện, kiểm soát, giám sát xử lý vi phạm. Khi phát hiện thì đánh giá giá mức độ vi phạm đối với từng hành vi ra sao, căn cứ vào đâu? Thế nào là hành vi gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất… Đặc biệt là cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, thương nhân làm ăn chân chính phát hiện sai phạm của chính lực lượng quản lý thị trường khi thực thi công vụ.

Quyền hạn của quản lý thị trường là rất rộng, rất cụ thể và liên quan đến lợi ích vật chất, tinh thần… của mỗi cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Sự vi phạm chất lượng hàng hóa, hàng giả, nhãn mác, xuất xứ sản xuất… khá phổ biến, tinh vi, nhiều thủ đoạn kể cả mua chuộc, hối lộ cán bộ quản lý thị trường. Những vụ việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay thực phẩm bẩn tràn lan… cho thấy những yếu kém trong thực thi pháp luật. Quản lý thị trường là một lực lượng phải cọ xát với đời sống kinh tế - xã hội, gắn lợi ích vật chất quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh sản xuất nên yêu cầu trước tiên có tính sống còn của lực lượng này là phẩm chất đạo đức công vụ. Nhiều trường hợp vi phạm không do hiểu biết, năng lực chuyên môn hạn chế mà do phẩm chất cán bộ. Điều này đòi hỏi đổi mới quy trình quản lý, tuyển dụng, sử dụng, rèn luyện cán bộ.

Khi trao quyền năng cụ thể phải có cơ chế kiểm soát cụ thể không để cán bộ tự tung, tự tác có quyền phạt hay không phạt; phạt cao hay phạt thấp; phạt hay tha bổng khi phát hiện các hành vi vi phạm. Chính sự lỏng lẻo trong thực thi dẫn đến tùy tiện vận dụng quy định cụ thể. Từ đó nảy sinh thỏa thuận ngầm, hối lộ, tham nhũng vặt. Vụ việc 2 quản lý thị trường Nghệ An bị điều tra vì nhận 6 triệu đồng của ông Vi Văn Hùng (60 tuổi, trú xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) hành nghề y là một thí dụ.

Một vấn đề quan trọng nữa là phải kiểm tra, đánh giá từ sự tồn tại công khai của hàng hóa vi phạm chất lượng, thương hiệu, hàng giả, hàng nhái… trên thị trường để đánh giá hiệu quả của công tác quản lý. Và cũng từ kết quả đó phát hiện trở lại sự buông lỏng hay vi phạm của lực lượng quản lý ở từng lĩnh vực, địa bàn. Nếu không đánh giá được mức độ vi phạm của hàng hóa hiện nay, nhất là những hàng hóa thuộc nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân như thực phẩm, hàng may mặc, thuốc chữa bệnh, nước giải khát… thì không thấy được sự trôi nổi của thế giới ngầm tham nhũng “vặt”, lách luật kiếm chác còn rất phổ biến.

Rõ ràng để quy định Thông tư đi vào cuộc sống không chỉ phụ thuộc vào tính chất, mức độ “chặt” hay “lỏng”; cụ thể hay không cụ thể; có chế tài hay không mà quan trọng là cách tổ chức triển khai thực hiện có  thực sự quyết liệt không hay “đánh trống bỏ dùi”. Là chính ở khâu giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm ngay đội ngũ thực thi pháp luật này.

Thanh Hà