Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA

Chắp cánh cho kinh tế Việt Nam phát triển

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:48 - Chia sẻ
Ngày 12.2, Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là dấu mốc đặc biệt, được kỳ vọng chắp cánh cho kinh tế Việt Nam phát triển. Vấn đề là làm thế nào để hiện thực hóa cơ hội này?

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam ĐẶNG PHÚC NGUYÊN: Phải tăng sản lượng rau quả trồng theo GlobalGAP

Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển. EVFTA được thông qua sẽ mở ra cơ hội lớn cho rau quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường có hơn 500 triệu dân, chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu này.

EVFTA có ưu điểm hơn so với các hiệp định thương mại tự do khác là EU sẵn sàng nhập bất kỳ hàng rau, quả nào của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi rất cao về an toàn thực phẩm. Muốn xuất khẩu sang đây, ngành sản xuất, chế biến rau, quả Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất, không được vượt quá mức quy định; đồng thời phải tuân thủ quy định về trách nhiệm xã hội, môi trường và kinh doanh. Thời gian tới, doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, mức đầu tư cho khâu chế biến của Việt Nam thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, vì vậy chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều trong việc tháo gỡ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách đã thương thảo và ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA. Phần việc còn lại là trách nhiệm của doanh nghiệp và nông dân phải làm, đó là đẩy mạnh trồng, đóng gói những sản phẩm đạt chất lượng, nhất là phải bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Muốn vậy, doanh nghiệp và nông dân phải liên kết với nhau để tạo ra các sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn phía EU đặt ra. Phải tăng tỷ lệ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hiện tỷ lệ này còn ít, chỉ chiếm 5 - 10% tổng sản lượng. Nhà nước hỗ trợ nhưng nông dân, doanh nghiệp không làm thì cũng “thua”!

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: Ngành thủy sản đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn EVFTA

Thị trường EU quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam, vì thế, việc phê chuẩn EVFTA mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm một nửa dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 - 20% xuống 0%, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Ngoài tôm, cá ngừ cũng có nhiều lợi thế, vì Thái Lan và Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn, nhưng cả hai quốc gia trên đều chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với EU.

Nếu chỉ chú trọng vào vấn đề giảm thuế thì sẽ không có ý nghĩa về mặt lâu dài. EVFTA là bản hiệp định có sự phối hợp, hợp tác giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu, dựa trên cơ sở đó sẽ gia tăng việc mua hàng, nhưng để làm được điều này phải lựa chọn các nhà cung cấp có đủ điều kiện và chất lượng. Hiện tại, ngành thủy sản nước ta đủ điều kiện, khả năng để đáp ứng những tiêu chuẩn mà EVFTA đặt ra. Muốn xuất khẩu ổn định qua thị trường châu Âu, ngành thủy sản cần 3 điều kiện cơ bản là: Chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận quốc tế. Vì thế, ngành thủy sản phải tiếp tục bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại thường xuyên để giữ thị trường EU.

Quá trình thực hiện EVFTA sẽ có những khó khăn nhất định vì EU gồm 28 nước thành viên, một số nước có thể có cách áp dụng Hiệp định khác nhau. Vì vậy, Chính phủ cần hướng dẫn, theo dõi, giám sát kỹ lưỡng việc thực thi hiệp định để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế Phạm Hồng Điệp: Chính phủ phải giúp doanh nghiệp hiểu rõ EVFTA

Tôi cho rằng EVFTA là một trong những hiệp định quan trọng, chắp cánh cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. EVFTA được thông qua rất tốt, vì các doanh nghiệp sẽ định hướng được thị trường xuất khẩu và giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phải định dạng được sản phẩm bán ra ở một thị trường khó tính, đồng nghĩa với giá trị gia tăng sẽ lớn hơn so với dạng nguyên liệu hay dạng sơ chế.

EVFTA là một bước tiến rất mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước, từ đó giúp tăng trưởng GDP trong tương lai gần. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là bản thân doanh nghiệp phải suy nghĩ một cách nghiêm túc để chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất, chuyển đổi các tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn của châu Âu theo như EVFTA quy định.

Để tận dụng được cơ hội này, Chính phủ cần có những văn bản hướng dẫn để giúp doanh nghiệp trong nước hiểu được những quy định cụ thể của EVFTA và rà soát lại tất cả các luật của nước ta để phù hợp với EVFTA. Các doanh nghiệp phải được truyền tải thông tin về EVFTA một cách đầy đủ, bởi doanh nghiệp có hiểu được các điều khoản thì mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn hàng hóa của thị trường châu Âu.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) NICOLAS AUDIER: Ngay bây giờ cần bảo đảm việc triển khai suôn sẻ

Đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía.

Cuộc bỏ phiếu này là kết tinh của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ năm 2012 và EuroCham đã đồng hành EVFTA trong suốt 12 vòng đối thoại đó. Kể từ khi thỏa thuận được chính thức kết thúc đàm phán vào năm 2015, chúng tôi đã vận động mạnh mẽ để thuyết phục các nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu (EP) về các lợi ích của Hiệp định EVFTA. Không chỉ gói gọn trong các hoạt động đầu tư thương mại, hiệp định này còn cải thiện sinh kế, mức sống và mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần bảo đảm việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà Hiệp định này mang lại. EuroCham sẽ luôn đồng hành và tiếp tục thúc đẩy quá trình này. Chúng tôi cam kết sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đối tác để bảo đảm rằng lợi ích mà Hiệp định mang lại sẽ đạt được các kỳ vọng trong thực tiễn.

A. Thiện - H. Nhung - T. Tâm - Đ. Thanh