Sổ tay

Chặn đứng bệnh giả dối

- Thứ Bảy, 19/10/2019, 07:34 - Chia sẻ
Vụ việc giấu nhẹm thông tin về nước nhiễm dầu của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà chỉ là một ví dụ điển hình cho căn bệnh giả dối hiện nay.

Nhìn xem cái sự giả đang lộng hành thế nào? Giả hồ sơ thương binh, gia đình có công để trục lợi chính sách. Giả bằng cấp, chứng chỉ để chui vào các cơ quan của Nhà nước. Giả số liệu thiệt hại khi thiên tai, thảm họa để trục lợi ngân sách công. Đã có cả những vụ “ăn” vào người nghèo, giả hộ nghèo để hưởng lợi. Sự giả dối đã thành cơn hội chứng nên những biện minh cố cãi lấy được khi sai phạm ở ngay cả những “công bộc” quyền uy. Như vụ hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhận hối lộ cả bọc lớn USD, nhưng lúc đầu cũng ra sức chối cãi chứ đâu đã chịu nhận ngay!

Sự giả dối chen cả vào lĩnh vực đấu thầu, đấu giá cũng đâu có thiếu. Những “quân xanh quân đỏ” trong các dự án đấu thầu ở các dự án lớn, trong mua sắm công không phải là không có đâu. Tinh vi và trắng trợn hơn, giờ đây còn xuất hiện cả “cò” trong đấu thầu, đấu giá nữa.

Bao nhiêu vụ đại án kinh tế thất thoát nghìn tỷ đều đầy rẫy những giả dối, biến báo ẩn náu trong đó. Bao nhiêu trò biến nhà đất công sản thành nhà riêng dư luận bức xúc ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… dính đến lãnh đạo các thành phố này cũng đều từ không trung thực, từ sự giả dối đến liều lĩnh sinh ra. Thôi thì biến báo cả danh sách giả cho cán bộ đi du lịch nước ngoài để moi tiền nhà nước như vụ việc của Lê Tấn Hùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Mới thấy cái gì cũng có thể “ăn”, lĩnh vực nào cũng có những cái vòi bạch tuộc chĩa vào. Thôi thì “vẩy bút” biến cả khu “đất vàng” thuộc công sản nhà nước 5.000m2 ở 8 - 12 Lê Duẩn vào tay tư nhân như “làm xiếc”. Có hay chỉ một chữ ký này của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài mà Nhà nước thất thoát cả núi tiền gần 2.000 tỷ.

Giả dối là thứ xa lạ trong đạo đức của truyền thống người Việt nhưng vì sao giả dối vẫn như một căn bệnh trầm kha? Truy đến cùng cũng là căn bệnh thành tích từ bệnh cơ hội mưu lợi cá nhân bành trướng, vì lòng tham tư lợi, thói háo danh mà ra. Vì sao còn có những “công bộc” nói xuôi nhưng cố tình làm ngược? Vì sao nhiều sai phạm bị che giấu, ém nhẹm sau nhiều năm, thậm chí cả chục năm mới “phơi” ra. Đó chính là còn chuyện né nể nhau biết sai không dám nói. Đó còn là cả chuyện sợ uy quyền, sợ trù dập nên im lặng. Nhưng cũng có cả chuyện bạc tiền phong bì, phong bao đã “bôi trơn” để  mua cả sự im lặng!

Sự trung thực phải đặt lên hàng đầu trong thời kỳ hội nhập. Trung thực phải bắt đầu từ chính các cơ quan công quyền. Trung thực phải là tố chất và tiêu chí hàng đầu của mỗi “công bộc” trước khi nói đến liêm chính, chí công vô tư. Nói thế bởi có những vụ việc do thiếu trung thực làm ăn trí trá mà gây hậu quả không nhỏ. Nói thế bởi nhìn về một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên sa vào tha hóa, lợi ích nhóm cũng chính là những con người lộ rõ sự giả dối, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo. Sự giả dối nếu không quyết liệt chặn đứng thì đất nước sẽ đi về đâu?

Đăng Quang