Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Chân dung ám ảnh

- Thứ Hai, 02/11/2015, 08:16 - Chia sẻ
Không chỉ làm cho tên tuổi của họa sĩ trở nên lừng lẫy thời bây giờ, mà chân dung Giáo hoàng Innocent X còn trở thành tác phẩm ám ảnh nhất trong lịch sử hội họa thế giới. Nó giống như một sự mặc khải hấp dẫn và sâu sắc về sự diễn tả tâm lý của Diego Velazquez - họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ XVII.

Giáo hoàng Innocent X, sơn dầu của Diego Velazquez, vẽ năm 1650, kích thước 141x119cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Doria Pamphilj, Rome

Được mô tả trong tư thế ngồi nhìn từ thế nghiêng ba phần tư, Giáo hoàng Innocent X mặc bộ lễ phục với áo choàng đỏ và chiếc mũ đỏ. Tay trái ông cầm tờ giấy trong khi vẫn nắm chặt vào thành ghế, tay kia gác một cách nhẹ nhàng. Điều ám ảnh nhất của bức tranh này đối với phần lớn khán giả có lẽ là khuôn mặt và đôi mắt với cái nhìn đầy thách thức.

Theo lịch sử của Vantican, Giáo hoàng Innocent X còn có tên là Jambattista Panfili, sinh tại Rome ngày 6.5.1574. Sau khi nghiên cứu luật học tại Collegio Romano và là thành viên Hội đồng Công giáo, Jambattista đã chính thức trở thành Giáo hoàng Innocent X ngày 15.9.1644, một vị giáo hoàng đầy quyền lực và bạo lực của thế kỷ này.

Bức tranh là sự kế thừa xuất sắc bậc thầy Raphael trong hình thức xây dựng chân dung. Tương tự như Julius II, Velazquez đặt Innocent X ngồi theo vị trí nhìn 3/4 thay cho dạng thức chân dung chính diện đã quá quen thuộc. Với vị thế này, nếu họa sĩ muốn giữ cho nhân vật dáng vẻ oai nghiêm, thì khuôn đầu phải thẳng với thân người. Như vậy, vô hình trung, cặp mắt của nhân vật phải quay ra phía người xem với ánh nhìn trực tiếp. Đây cũng có thể xem là sự khác biệt lớn nhất giữa tranh của Velazquez và Raphael. Dẫu cũng có cái nắm tay thật chặt vào thành ghế biểu thị thái độ kiềm chế, nhưng đầu cúi, đôi mắt nhìn xuống của Julius II đã bộc lộ tính nhược tiểu trong bản chất nhân vật; còn ở Innocent X với ánh mắt và cặp mày nhíu, thể hiện sự trầm tĩnh, khôn ngoan, uy quyền và chứa đựng nhiều âm mưu chính trị.

Đứng về mặt kỹ thuật hội họa, không phải bỗng nhiên bức tranh đã được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá xuất sắc nhất mọi thời đại. Nó đã bộc lộ kỹ thuật siêu đẳng của Velázquez trong khả năng diễn tả mọi thứ chất liệu. Từ chất óng ánh của lụa satanh đến độ xốp trong bộ trang phục truyền thống của Giáo hoàng, đến chất nhung của ghế bọc và chất liệu vàng mạ trên thành ngai với họa tiết trang trí tỉ mỉ. Để tăng cường tính biểu hiện cho tác phẩm, Velázquez dường như đã loại bỏ các màu nâu, hay xanh ra khỏi toàn bộ bức tranh, chỉ giữ lại duy nhất sắc đỏ ở trên cả nền tường, tương đồng với màu đỏ trên áo, mũ và làm bật sắc trắng của bộ xiêm phía dưới. Với thứ ánh sáng một chiều, dường như ông đã vẽ ra được cả một bầu không khí của giáo hội thời bấy giờ. Đó là sự u ám, quyền lực và đầy âm mưu.

Có thể nói, so với phần lớn tác phẩm chân dung Giáo hoàng trong lịch sử, Innocent X dường như đã đạt đến tính chân thực tuyệt đối, đến nỗi lần đầu tiên khi nhân vật chính nhìn thấy tác phẩm đã phải thốt lên: được vẽ troppo vero (quá đúng). Đáng ngạc nhiên là, chính Đức Giáo hoàng đã không cảm thấy bị xúc phạm bởi ông không được tâng bốc như hầu hết họa sĩ khác vẽ, mà ngược lại ông ủng hộ Velázquez một cách nhiệt thành. Sau khi bức tranh hoàn thành, Velázquez đã được chính thức tham gia vào Học viện nghệ thuật Di San Luca danh tiếng nhất Roma thời bấy giờ, địa vị mà bất cứ họa sĩ nào cũng mơ ước.

Sự ám ảnh của bức tranh qua cặp mắt và thái độ diễn tả tâm lý, không gian đã khiến cho nó sống một cách rực rỡ trong lịch sử. Trong nghệ thuật thế kỷ XX, Giáo hoàng Innocent X vẫn là chủ đề để các họa sĩ hiện đại và đương đại khai thác như một ví dụ điển hình cho sự biểu thị quyền lực tối thượng.

Trang Thanh Hiền