Chậm giải ngân vốn ODA: Có chế tài mạnh

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:32 - Chia sẻ
Vốn ODA dành cho kế hoạch năm 2020 khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó dành 2/3 nguồn vốn này cho các địa phương. Đến nay, trong 63 tỉnh, thành phố thì đến 22 tỉnh giải ngân vốn ODA bằng 0%. Chỉ có 16 tỉnh, thành phố giải ngân trên 10%, duy nhất một tỉnh đạt 15%, còn lại rất thấp.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Câu hỏi đặt ra là, tình trạng chậm giải ngân ODA của các địa phương này do đâu? Chế tài nào đối với các địa phương giải ngân vốn ODA còn đủng đỉnh?

Trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và yêu cầu đầu tư phát triển rất lớn, việc vay và sử dụng nguồn vốn ODA là cần thiết. Nguồn vốn này góp phần bù đắp thiếu hụt về ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển. ODA có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng, kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông vận tải, nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường... Qua đó, tạo việc làm, khơi thông các nguồn lực tiềm năng của nền kinh tế. Tuy vậy, thực tế triển khai thực hiện, nguồn vốn này đã bộc lộ không ít tồn tại.

Tồn tại trong sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cũng từng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch, phân bổ và giải ngân vốn có thời điểm còn chậm, chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính; có dự án chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương trong quản lý dự án trong một số trường hợp chưa chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện dự án sử dụng vốn vay nước ngoài chưa được thường xuyên, đặc biệt là đánh giá hiệu quả đầu tư, khi phát hiện ra vấn đề xử lý chưa kịp thời và chưa nghiêm…

Chậm trễ trong giải ngân vốn ODA gây nên nhiều hệ lụy, tạo nên “nút thắt cổ chai” trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, gây nên sự lãng phí lớn nguồn lực khi tiền vay về vẫn “nằm im trong két”. Doanh nghiệp, chủ đầu tư và cả địa phương đều bị ảnh hưởng không nhỏ từ sự chậm trễ này. Chi phí của doanh nghiệp bị đẩy lên cao do phải gánh chịu hậu quả từ việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án từ nguồn vốn ODA.

Câu chuyện “tiền đâu” luôn là một bài toán khó. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một nghịch lý, có địa phương “có tiền mà không tiêu được” khi triển khai các dự án có nguồn vốn ODA. Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng một cơ chế, chính sách, cùng một khung khổ pháp luật, trong khi nhiều tỉnh thành đã giải ngân được nguồn vốn ODA, dù tỷ lệ còn thấp, thì vẫn có những địa phương “án binh bất động” không chịu giải ngân nguồn vốn này? Vướng mắc này do đâu? Vướng do trình tự, thủ tục trong quá trình thực hiện hay do nguồn lực chưa đảm bảo để đối ứng? Hay do chính sự đủng đỉnh của những người có thẩm quyền được giao để thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn này?

Nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân ODA chậm trễ. Có thể do một số bộ ngành, địa phương thiếu vốn đối ứng, do một số dự án có nhu cầu vốn lớn nhưng vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư; do chậm hoàn thiện thủ tục đấu thầu. Đặc biệt, nguyên nhân từ chậm giải phóng mặt bằng được coi là vấn đề đã trở nên "thâm căn cố đế" khi triển khai các dự án đầu tư công, dự án có nguồn vốn ODA.

Để nâng cao hiệu quả của đồng vốn ODA, rất cần sự mạnh tay từ phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Với những địa phương đến thời điểm này nói “chưa” với giải ngân vốn ODA cần phải có một chế tài mạnh, không đơn thuần là nêu tên rồi để đấy. Muốn vậy, người đứng đầu địa phương, trong đó có Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải “xắn tay” vào cuộc để tập trung, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cấp dưới triển khai thực hiện.

Thủ tướng đã rất quyết liệt cho rằng, “Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay trong tháng 8. Lần này, Chính phủ, Thủ tướng phải ra tay, không để tình trạng trì trệ”.

Đã đến lúc cần phải coi việc giải ngân nguồn vốn ODA là một trong những căn cứ để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương, của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ này. Để ai không làm được thì buộc phải điều chuyển hay đứng ra một bên. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết: “lần này phải có chế tài mạnh”. Chỉ có chế tài mạnh mới chấm dứt được tình trạng giải ngân vốn ODA đủng đỉnh.

Hà An