Góc nhìn

Chậm đến bao giờ?

- Thứ Hai, 02/12/2019, 07:38 - Chia sẻ
Một lần nữa, Bộ Giao thông - Vận tải lại “lỡ hẹn” hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng (ETC) vào 31.12.2019 và phải xin điều chỉnh kế hoạch hoàn thành. Đây sẽ là lần thứ 3 điều chỉnh thời hạn hoàn thành dự án này.

ETC là một bộ phận quan trọng của các dự án BOT buộc phải thực hiện theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. ETC sẽ góp phần giảm thời gian chờ đợi của phương tiện giao thông qua trạm, giảm ùn tắc, lãng phí thời gian lưu thông; đồng thời góp phần công khai, minh bạch việc thu phí và tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm toán và giám sát thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với muôn vàn lý do được nêu ra cản trở tiến độ thực hiện và cuối cùng  dự án không đáp ứng yêu cầu thời hạn hoàn thành như đã định.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải lại có văn bản báo cáo Chính phủ xin gia hạn thực hiện ETC tại các trạm thu phí giai đoạn II và các trạm thu phí tại giai đoạn I thuộc các tuyến cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020 do chậm tiến độ bởi các nguyên nhân khách quan. Theo Công ty TNHH thu phí tự động VETC, đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn I thì sau 5 năm triển khai dự án thu phí tự động không dừng, hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT không thực hiện đúng tiến độ dự án. Cụ thể đến nay mới có 11/44 trạm thu phí ký phụ lục hợp đồng dịch vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải về chủ trương trích doanh thu phí.

Có rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan được diễn giải cho việc làm chậm tiến độ thực hiện dự án và chậm thực hiện chủ trương được Quốc hội, Chính phủ quan tâm đôn đốc chỉ đạo như: tại các dự án BOT giao thông khác thuộc giai đoạn I đã lắp đặt hệ thống ETC vẫn gặp khó khăn về mức phí trả cho nhà đầu tư (VETC) theo hợp đồng; số lượng phương tiện dán thẻ thu phí không dừng (Etag) thấp (812.000/3 triệu xe); nhân lực hướng dẫn, phân làn xe hạn chế; do tính đặc thù của dự án, có độ phức tạp về công nghệ, cũng như tính pháp lý, nhất là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam trên diện rộng, thời gian triển khai gấp… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chậm trễ chính là vấn đề quản lý. Theo các chuyên gia, chọn ai cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là quyền của Bộ Giao thông - Vận tải, vấn đề là thiếu cơ chế, thiếu cương quyết để thực hiện. Phải chăng, Bộ giao cho một đơn vị làm nhưng không giám sát, quy trách nhiệm rõ ràng, không có chế tài răn đe để cuối cùng họ làm lúc nào thì làm, làm đến đâu lại báo cáo khó khăn đến đó...

Rõ ràng chủ trương đúng nhưng trong triển khai thiếu kế hoạch khả thi, thiếu giám sát chặt chẽ, thiếu phương án xử lý sai phạm cam kết thì khó hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Và sẽ rất nhiều “lý do khách quan” được nêu ra khi thời điểm hoàn thành đến điểm kết thúc. Cũng theo các chuyên gia: “Nếu có một chế tài rõ ràng không thực hiện được dự án thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, bị xử lý như mất chức thì tất cả sẽ thực hiện răm rắp”.

Để tiến độ thực hiện các trạm ETC không bị lùi hoãn nữa và hoàn thành theo đúng kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Cần có sự chung tay của các cơ quan hữu quan giải quyết vấn đề vướng mắc về tài chính, kỹ thuật và đầu tư… Đồng thời phải lập được kế hoạch triển khai khả thi, cụ thể, từng giai đoạn với phương án minh bạch, với năng lực thực thi của các đơn vị tham gia. Và đặc biệt phải làm rõ các khó khăn, vướng mắc ngay khi cam kết tham gia dự án lần này… Mặt khác cần có kế hoạch đôn đốc, giám sát thực thi theo từng giai đoạn, thời hạn cụ thể.

Thời gian một năm nữa là rất ngắn so với khối lượng công việc phải hoàn thành với các trạm ETC. Nếu không tính toán kỹ, tập trung nguồn lực và quyết tâm thực hiện, thì việc chậm trễ rất dễ xảy ra một lần nữa. Mong rằng, với trách nhiệm chính của mình, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ đưa dự án về đích đúng thời hạn đã kiến nghị sang năm 2020.

Thanh Hà