Tản mạn

Cha tôi - tình yêu cuộc sống

- Thứ Năm, 09/05/2019, 08:33 - Chia sẻ

Cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được sinh ra vào một ngày đầu tháng 5, hơn 100 năm về trước. Người ta vẫn nói, con người ta có số. Nếu đúng vậy, tôi dám chắc cha tôi số vất vả, ngay từ lúc sinh ra. Điều này do chính ông kể lại, trong tự thuật “Cái đời tôi”, viết năm 18 tuổi: “... Mẹ tôi kể rằng, lúc sinh tôi ra, bà đỡ, già đã ngoại bảy mươi, cắt rốn cho tôi xong - cắt bằng một cái mảnh sành - vì lẫn cẫn mà quên không buộc rốn lại cho tôi, khiến cho máu chảy ra nhiều mà không ai biết. Kịp đến lúc bà mợ tôi ra, ẵm tôi cho bú, bấy giờ mới biết, thì tôi đã tái như con gà cắt tiết rồi. Bấy giờ cả nhà ngơ ngác, chạy chạy, chữa chữa, cúng cúng, tế tế, bà đỡ thì gọi mẹ, mẹ tôi thì khóc mếu. Tôi may lại qua được cái tai nạn ấy, nhưng người tôi quắt lại, da dẻ xám lại, hơn hai tháng giời tôi mới thành hình đứa bé, mới thành một đứa bé có hồn người, tức là có hy vọng nuôi được...”

Nguyễn Huy Tưởng thoát chết lần ấy. Nhưng cái chết còn bám theo ông và các anh chị em suốt thời niên thiếu. Ông có năm anh chị và một em gái, tất cả là bảy chị em. Năm ông lên hai thì hai người chị mất. Năm lên 7, đến lượt người anh trai sát ông. Một năm sau lại đến người em gái. Khi ấy, Nguyễn Huy Tưởng 8 tuổi và em gái 6 tuổi. Cả hai anh em cùng ốm một lúc, ròng rã suốt mấy tháng giời. Nhờ sự chăm sóc không quản ngày đêm của thân mẫu, ông may mắn qua khỏi, nhưng em ông thì không. Và đây là hình ảnh bậc sinh thành mà ông được thấy trong trận ốm ấy, giữa một lần thức dậy lúc nửa đêm: “Tôi không sao quên được cái hình mẹ tôi hôm ấy, cái nhà của tôi hôm ấy. Một ngọn đèn con, ba gian nhà ngoài - chỗ tôi nằm - mờ mờ không tối không sáng, hiện ra một vẻ âm thầm. Mẹ tôi ngồi yên, nét mặt thê lương thảm đạm, ở má anh ánh một vài giọt nước mắt, cứ từ từ giọt nọ tiếp giọt kia mà rơi xuống áo bông của mẹ tôi...” - Một hình ảnh thân quen, gần gũi của bậc sinh thành mà hằng thường ông vẫn thấy, có khác chăng chỉ ở chỗ nó bừng lên với một đứa trẻ đang ốm là ông lúc chợt tỉnh. Chính vì thế mà nó cảm động, nó lung linh, và nó sẽ theo ông suốt đời trong những thôi thúc viết về thân mẫu mình…

Vào ngày sinh của Cha, tôi kể những chuyện này chỉ cốt để nói rằng, những vất vả mà ông từng trải qua, những mất mát mà ông phải chứng kiến đã làm cho Nguyễn Huy Tưởng càng thêm ý thức về cái giá của cuộc sống, để ông càng thêm quý trọng đời mình và trân trọng cuộc sống của mọi người. Tác giả “Cái đời tôi”, dù chỉ thọ 48 tuổi theo dương lịch, đã để lại những dòng sau trong nhật ký, cho thấy ông tha thiết với đời với người biết nhường nào: “Muốn sống một cuộc đời rất thường, có liên hệ với mọi người, với cuộc sống, với những chi tiết tỉ mỉ của cuộc sống: một ánh mặt giời lên - gió mát gốc đa - lá khô bay trên đường - cái mái nhà mối rúc, v.v...” (22.4.1956); và: “Cúi đầu trước cuộc sống, dù đấy là một cuộc sống tầm thường, một mảnh con của cuộc sống, cuộc sống của cả những loài súc vật, như con mèo trong tay người gác cổng Tatar” (cảm xúc khi xem phim về M. Gorki, 7.6.1956)…

Nguyễn Huy Thắng