Tản mạn

Cây húng chanh và em bé

- Thứ Bảy, 01/06/2019, 08:27 - Chia sẻ
Đứa bé duy tình, nhìn gì cũng quy chiếu về yêu thương, nhìn gì cũng ra âu yếm quấn quýt, nhìn gì cũng ra MẸ - nó đã nhắc cho tôi nhớ. Ký ức nồng ấm và những thương yêu ta đã nhận, luôn là tài sản cuối cùng.

Hôm đó, nó học xong mải la cà đến 7h tối, bỏ quên giờ dắt cún con đi dạo. Tôi gọi điện trách mắng nó, và yêu cầu nó về nhà ngay. Nó về đến nhà thì nhớ ra để chìa khóa ở trường, và quên luôn cả xe đạp ở đâu đó nữa. Tôi cuối ngày mệt, cáu nhặng xị. Nó, lập tức đi bộ về trường (cách nhà 200m) để tìm chìa khóa.

Chừng 7h30, nó gọi điện, tôi hỏi thế con đang đâu? Nó nói nó đang gần cổng trường, trước một quán gà rán. Trong não tôi hiện ra là con bé lại lề mề, và nó đang ao ước ăn “món cấm” là đồ chiên rán ngoài đường, và đến giờ này chắc con chó đã quần nát nhà vì quá giờ đi chạy. Tôi gầm gừ: “Sao giờ này con vẫn ở cổng trường? Giải thích cho mẹ!”. Cái từ “giải thích cho mẹ” được nhét tất cả các loại sấm chớp giận dữ và cả đống những tảng đá lạnh lùng vào đó. Nhưng giọng nó trả lời thì vui vẻ như con chó con, lại còn tràn đầy âu yếm: “Con nhìn thấy cây húng chanh trong chậu xốp trước quán gà rán. Con đứng lại, con hái một chiếc lá và mùi nó xực lên, tự dưng con chảy nước mắt vì hạnh phúc. Cái mùi húng chanh nó thân thương lắm...”.

Tôi ắng lại. Con bé vẫn tha thiết kể trong điện thoại. “Con nhớ ngày bé mỗi lần con ho, mẹ hái lá húng chanh hấp cơm với mật ong và quất xanh cho con ngậm, con rất sợ món đó. Lần nào con cũng khóc. Thế nên mỗi khi con uống húng chanh, mẹ đều ôm con và thơm con chi chít, mẹ bảo: “Con của mẹ giỏi như chú khủng long!”. Cái mùi lá húng làm con nhớ tụi mình quá! Con nhớ mẹ, nhưng là mẹ ngày xưa. Lâu rồi con không ốm, nên lá húng chanh làm con nhớ lúc con được dỗ dành và mẹ bế vòng quanh nhà...”.

Tôi bảo nó là ăn tối xong, nó sẽ đưa mình đến thăm gốc cây húng ấy chứ? Vì mình cũng nhớ con bé con suốt mùa đông đều bị ho ấy quá.

Thế là trong lịch trình đi bộ buổi tối với Thóc, bị mọc ra mỗi tuần hai buổi đi thăm cây húng chanh. Nó không kìm được nên thỉnh thoảng bấu một mẩu lá để ngửi. Để đền cho cây húng, đi học về, nó vẫn lén lút tưới cây húng bằng số nước nó mang ở trường về đựng trong bình. Nó còn mua phân bón Đầu Trâu chăm bù cho gốc húng chanh để đỡ áy náy…

Tối qua, đi làm về, tôi thấy nó lao từ sảnh tòa nhà ra, òa khóc nức nở: “Con xin lỗi, con làm rơi ví của mẹ xuống khe thang máy. Con sợ mẹ buồn. Việc đó còn kinh khủng hơn mẹ mắng con!”. Cái ví, là của bố nó tặng mẹ nó hồi mới yêu. Nó có tuổi đời 17 năm chứ mấy! Tôi đưa cho nó dùng và dặn: “Đây là kỷ vật gia đình” (dặn thế để con bé cẩn thận hơn).

Ôm nó rồi bảo: “Mẹ không giận con đâu, những thứ mình không cố tình, mình không muốn nó xảy ra, thì đó là tai nạn chứ không phải lỗi. Tất cả kỷ vật của bố mẹ và gia đình đựng ở con hết rồi, nếu chúng ta không tìm thấy cái ví cũng không sao”.

May thay, các chú bảo vệ tòa nhà đã dừng cái thang máy và mở hầm, để lấy lại cho nó chiếc ví. Nó dùng bông tẩy trang, cồn, kem đánh răng, nước hoa... tóm lại những gì nó nghĩ là có thể tẩy vết dầu luyn trên chiếc ví. Và nó hát hò inh ỏi trong lúc sửa soạn tinh tươm lại cái ví gia bảo.

Thế đấy! Tôi quá tệ. Tôi đôi khi quên béng mất ký ức và những dấu yêu trong quá khứ. Không hẳn là bạc bẽo, nhưng cuộc sống là sóng sau đè sóng trước, nếu đựng tất cả, mình sẽ rất mệt và quá sức. Chỉ mang vác hết tình nghĩa đã nhận, mình cũng không đựng và không trả được hết trong kiếp này. Nên để đi tiếp, thỉnh thoảng tôi cho bản thân quyền được quên…

Nhưng con bé, đứa bé duy tình, nhìn gì cũng quy chiếu về yêu thương, nhìn gì cũng ra âu yếm quấn quýt, nhìn gì cũng ra MẸ - nó đã nhắc cho tôi nhớ. Ký ức nồng ấm và những thương yêu ta đã nhận, luôn là tài sản cuối cùng. 

Quỳnh Hương