Câu chuyện “Lá chắn và thanh kiếm”

- Thứ Hai, 20/08/2007, 00:00 - Chia sẻ
Đáng tiếc đây không là chuyện “Thanh kiếm và lá chắn” trong cuốn tiểu thuyết cùng tên đã được dựng thành phim về cuộc chiến đấu ngoan cường của một chiến sĩ tình báo “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, mà là một câu chuyện có dáng dấp của một vở bi hài kịch của một vụ lộn xộn làm mất an ninh sân bay do một người đang đứng trong lực lượng bảo vệ an ninh gây nên.

      Thông thường thì có “thanh kiếm” rồi mới có lá chắn. Để chống lại sự tấn công của thanh kiếm, phải tạo ra cái “lá chắn”. Đó là cái logic dễ hiểu. Nhưng lại có một logic rất khó hiểu: vì tin chắc là đã có “lá chắn” rồi, nên mới ngang nhiên sử dụng “thanh kiếm”. Ở đây, “lá chắn” có trước, “thanh kiếm” có sau. Phải chăng câu chuyện một công an sử dụng “thanh kiếm” vừa tậu được để ngang nhiên  rượt đuổi nhân viên an ninh sân bay Đà Nẵng hôm vừa rồi nói lên cái logic khó hiểu đó.
      Lạ một nỗi là vị thượng tá có trách nhiệm ở Quận Hải Châu, Đà Nẵng lại không muốn gọi kiếm là kiếm với lý do rất đanh thép “bởi vì không có nhãn mác”. Cũng trong logic “đanh thép” đó thì làm gì có chuyện dùng kiếm để hành hung nhân viên an ninh sân bay, chỉ là “do mở cốp xe để sắp xếp lại đồ đạc, trong đó có cây kiếm, vô tình vỏ kiếm rơi ra chứ không có ý định gì”. Vị phụ trách an ninh sân bay đã bác bỏ logic ấy: “cây kiếm vốn rất dài (hơn 1m nếu tính cả cán), nặng (bằng inox), lại được bỏ nằm dưới cốp xe làm sao mà vô tình rơi ra được”!
      “Rơi được” quá đi chứ. Vì “thanh kiếm” này không là quả táo trong định luật của Newton, nó bất chấp định luật, vì nó có thể đâm thủng mọi định luật, đập vỡ mọi chân lý cho dù nó “không được gọi là kiếm, cũng không hẳn là dao hoặc mã tấu, bởi không hề có nhãn mác”. Đã bẻ queo được sự thật đến như thế thì “rơi” là cái thá gì mà không “rơi” được. Đến kiếm mà còn không được gọi là kiếm được, thì dù nằm trong cốp xe thanh kiếm vẫn có thể vô tình được “rơi ra” lắm chứ. Có “rơi ra” như vậy thì mới có lý lẽ “đanh thép” để xử lý hành chính, vì có thế mới “không cấu thành tội “vận chuyển vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ” của Điều 233 và “chống người thi hành công vụ” của Điều 257 Bộ Luật Hình sự được chứ. Phải có một tầm “nhìn xa, trông rộng”, am hiểu luật pháp lắm mới từng bước đưa ra những lập luận kiểu “chuyện thật như đùa” ấy mới dẫn đến cái kết cục của việc tuyên phạt kia chứ. Đây là “đỉnh điểm” của hành động kịch trong vở bi hài kịch được đạo diễn hơi non tay vì “cao trào kịch” diễn ra lộ liễu quá.
      Thế nhưng, các nhà báo đã chịu khó đưa ra nhiều tình tiết giúp cho “đạo diễn” của vở bi hài kịch này dẫn dắt các động tác trong vở diễn hợp lý hơn. Chiếc “lá chắn” hiện hình rõ hơn khi được biết rằng, người sử dụng thanh kiếm mà “không nên gọi là kiếm đó” đã từng nổ súng uy hiếp tiếp viên tại một quán karaoke ở Bình Dương cách đây bảy năm vì không chịu thực hiện đòi hỏi của y. Và rồi vị trung tá có trách nhiệm của Bình Dương tuy thừa nhận rằng có vụ việc vi phạm “để súng cướp cò tại một nhà hàng ở Bình Dương nên đương sự đã bị kiểm điểm”. Nhưng ông lại nói thêm là: “do đi chơi với anh em bạn bè và có đem theo công cụ hỗ trợ (?). Tại cuộc đi chơi đó, súng cướp cò. Tuy nhiên tôi không rõ súng do đương sự tự trang bị hay đơn vị trang bị để phục vụ công tác”.
      Vậy thì là súng hay là công cụ hỗ trợ, là cướp cò hay là nổ súng uy hiếp? Báo chí đã đăng tải những thông tin về việc nổ súng trong quán karaoke với  những tình tiết rõ ràng giúp cho công chúng khám phá ra cái logic độc đáo đã dẫn dắt sự phát triển của vở bi hài kịch vụng về. Chỉ cần đọc bài “Những tiếng súng kinh hoàng và nỗi khiếp sợ của các nữ tiếp viên karaoke” trên “Thanh niên” ngày 16.8.2007 là hiểu ra ngay. Thì ra, cái logic ngược: “lá chắn” tạo ra “thanh kiếm” nếu được phân tích thấu đáo từ bảy năm trước để dẹp bỏ những “lá chắn” bảo kê và dung dưỡng những hành vi ngang ngược, vi phạm pháp luật của vị chủ nhân của “thanh kiếm” kia thì chắc chắn không thể có vở bi hài kịch hôm nay.
      Thì ra, chuyện sử dụng kiếm không nên gọi là kiếm, là sự “kế thừa và nâng cao” hành động của cùng một nhân vật diễn ra bảy năm trước đây tại Bình Dương, và cái logic “kiếm không là kiếm” bây giờ thì chuyện bảy năm trước là nổ súng biến thành cướp cò, súngcông cụ hỗ trợ cùng một tên gọi! Cho nên, những vỏ đạn tìm thấy, những vết đạn trên tường quán karaoke dạo ấy chỉ là của những “công cụ hỗ trợ”. Cho nên, trước khi việc nổ súng ấy bị lật lại, cả Trưởng phòng Tổ chức và Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương đều khẳng định rằng đương sự “chưa từng sai phạm gì, có chăng chỉ vi phạm nội quy cơ quan như đi làm trễ…”
      Thế rồi, công chúng thở phào nhẹ nhõm khi biết ý kiến chỉ đạo của thiếu tướng Cục trưởng Cục Chính trị CSGT, qua đó thấy rõ kiếm là kiếm “không thể nói kiếm không có mác không phải là kiếm... tôi cũng thấy lạ là tại sao đến lúc này mà Công an Bình Dương vẫn chưa tạm đình chỉ công tác đối với CSGT này”. Dư luận được giải tỏa hơn nữa khi trung tướng Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát giao thông “yêu cầu tẩy chay việc làm sai trái của chủ nhân “thanh kiếm” nói trên, nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh không để sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra, nghiêm túc xử lý nghiêm hành vi sai phạm”. Báo Công An Nhân Dân ngày 14.8.2007 còn đăng ý kiến của ông thân sinh của đương sự đề nghị với đại tá Giám đốc CA tỉnh Bình Dương: “nhờ anh Năm Đức nói rõ Công an TP Đà Nẵng rằng, nó hư phải xử, nếu phải bắt giam, đi tù, các anh cứ làm, gia đình không ai chấp nhận được đứa con hư hỏng như thế”.
      Như vậy là công chúng được hứa hẹn rằng, cần phải trả về cho lá chắn chức năng vốn có của nó là chống trả sự tấn công của kẻ thù, bảo vệ công lý, bảo vệ an toàn sự nghiệp của nhân dân chứ không dùng làm bà đỡ cho những sai phạm dẫn đến tội ác, bảo vệ dân chứ không bảo kê cho tội phạm. Công chúng được cung câæp những dữ liệu để tin được rằng, thanh kiếm trong tay người chiến sĩ công an được dân tin tưởng sẽ phát huy được hết công năng cao quý của nó.
      Nhưng chính đó cũng là lý do để dư luận càng bức xúc trở lại khi biết được kẻ đã gây ra những chuyện bức xúc thách thức dư luận nói trên chỉ bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng. Dư luận công chúng cho rằng, chỉ cần nhìn bức ảnh chủ nhân thanh kiếm với dáng vẻ xấc xược, ngông nghênh và thách thức trước mặt nhà chức trách sân bay và hai thanh kiếm đặt trên bàn, đứa trẻ con lớp một cũng có thể gọi đúng tên sự vật, nếu nó chưa được hù dọa trước và chưa bị “mớm cung”! Liệu đây có đúng là “nghiêm túc xử lý nghiêm hành vi sai phạm” chưa? Liệu cách xử lý đó đã đủ “chấn chỉnh không để sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra” chưa? Đã đủ sức công phạt, tạo ra sự tẩy chay việc làm sai trái của con sâu làm rầu nồi canh chưa? Và, quan trọng nhất, cách xử lý đó đã trấn an được dư luận bức xúc của xã hội chưa, có làm cho họ vững tin hơn vào “thanh kiếm và lá chắn” của lực lượng vũ trang nhân dân luôn luôn bên cạnh họ, chỗ dựa tin cậy của họ mà những tấm gương hy sinh “vì nước quên thân vì dân phục vụ” của nhiều chiến sĩ công an đã từng hậu thuẫn cho niềm tin đó.
      Sự thật cần gọi đúng tên để làm gì? Để hậu thuẫn cho lời tuyên bố của vị thiếu tướng ở Tổng cục Cảnh sát “tuyệt đối không có sự bao che, đây chỉ là sự thận trọng của cơ quan điều tra khi vụ việc đang còn trong quá trình xác minh làm rõ”. Còn để hậu thuẫn cho chỉ thị rất nghiêm túc và minh bạch của trung tướng phó Tổng cục trưởng Tổng cục CSGT “yêu cầu tẩy chay việc làm sai trái của chủ nhân “thanh kiếm” nói trên, “xử lý nghiêm hành vi sai phạm đã dẫn ra ở trên.
      Phần vĩ thanh của “chuyện thật như đùa” tiến triển dần thành vở bi hài kịch “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt” này, nên được dành nói đôi điều về tính nhạy bén và sức mạnh của báo chí. Chỉ cần đặt ra một giả thiết: nếu không có sự vào cuộc một cách quyết liệt, kịp thời của một số tờ báo dám chịu trách nhiệm về ngòi bút và ống kính, soi rọi làm rõ sự thật của mình, dám đương đầu với những thách thức từ nhiều phía, để kịp thời và nhanh nhạy cung cấp cho công chúng những thông tin trung thực và giàu tính chiến đấu, thì sự việc còn sẽ được dẫn dắt đi đến đâu?
      Trên “Người đại biểu Nhân dân”, chuyên mục “Đàm luận sáng thứ hai” đã từng nói đến chủ đề ấy. Từ sự kiện nóng hổi này, càng thấy vỡ ra cách nói có phần cực đoan của hai chính khách phương Tây từ hơn hai thế kỷ trước đây: “nếu phải chọn một chính phủ không cần báo chí với một báo chí không cần chính phủ, thì tôi chọn cái thứ hai”, đó là tuyên bố của Thomas Jefferson, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một câu nổi tiếng, tiêu biểu nhất để đưa vào trong Tuyên Ngôn Độc lập 2.9.1945 đặt nền tảng cho Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Câu thứ hai cũng cực đoan như vậy của một nhà độc tài đã từng ngạo nghễ vỗ ngực mà rằng “Nhà nước là ta”. Ấy vậy mà cũng chính ông ta, Napoleon Đệ nhất, lại buộc phải thốt lên rằng: “Nhà nước là cái gì? Không là gì cả nếu không có dư luận!”.
      Chính trong sắc thái cực đoan của những lời tuyên bố đó, chúng ta hiểu được khát vọng cháy bỏng của C.Mác về vai trò và chức năng đích thực của báo chí cách mạng: “con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân của sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình”, “là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực lại chảy về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí”.
      Trong sự nghiệp phát triển đất nước khi mà tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu, nếu biết sử dụng và khai thác sức mạnh và tính nhạy bén của báo chí do những ngòi bút trung thực, “những giây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước” viết nên, sẽ làm cho nhà cầm quyền nắm bắt được hơi thở của cuộc sống nhân dân trong dòng chảy nhẫn nại, sôi động và không ngừng biến động của nó. Đương nhiên, những ngòi bút như vậy chưa nhiều, song cần phải biết chăm chút bồi dưỡng và phát huy để có được nhiều ngòi bút như vậy, chứ không nên làm cho nó thui chột đi. Vở bi hài kịch vừa diễn ra là một ví dụ sinh động nói lên đòi hỏi bức bách đó.
      Và nhân nói đến kịch, xin nhắc lại một suy ngẫm sâu sắc của một nhà viết kịch người Đức vốn được xem là một trong những kịch tác gia nổi tiếng nhất của thế kỷ XX, Becton Brecht: “Chỉ có những người tò mò hay phê phán mới tự hỏi: Sao quả không rụng ngược lên trời, người đó mới tìm ra luật trọng lượng, phát hiện ra sức hút của trái đất. Hãy thức tỉnh tinh thần phê phán, vì về bản chất, tinh thần phê phán đúng là một thái độ tích cực trước cuộc sống, khi nó phủ định cũng như khi nó khẳng định, vì phủ định cũng là để xây dựng nên một cái tốt hơn. Ông đã qua nhân vật trong vở kịch mang tên “Cuộc đời Galilê” mà tuyên bố rằng: “Kẻ nào không hiểu chân lý đó, kẻ đó chỉ là một con lừa. Nhưng ai đã biết chân lý mà còn phủ nhận nó, kẻ đó là một tên giết người”.

Tương Lai