Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7)

Câu chuyện của người tù mang mã số VN 2017

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 21:53 - Chia sẻ
​​​​​​​Quá khứ bi hùng của dân tộc đã lùi xa, nhưng những ký ức chiến tranh vẫn tồn tại. Nghe lại những câu chuyện khi xưa ấy, một lần nữa, thế hệ hôm nay được sống lại một thời hoạt động cách mạng sôi nổi của cha ông mình, được lắng nghe những kỷ niệm của những người con kiên trung trong lao tù khắc nghiệt, như câu chuyện xúc động của cựu tù Dương Tự Minh được chia sẻ trong tọa đàm “Son sắt một niềm tin” chiều 10.7.

Đấu tranh trong “trường học cách mạng”

Từ buổi đầu xâm lược Việt Nam năm 1858, thực dân Pháp đã sử dụng nhiều biện pháp, hình thức để đàn áp, khủng bố các phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Tòa án, Sở mật thám, Nhà tù và bộ máy cai trị được thiết lập khắp các địa phương của chính quyền thực dân, đế quốc, khiến cho cuộc sống của người dân Việt Nam trở nên cùng cực.

Tại Hà Nội, thực dân Pháp cho xây dựng Nhà tù Hỏa Lò năm 1896, ngay gần Tòa Đại hình (nay là Tòa án Nhân dân Tối cao) và Sở Mật thám (nay là trụ sở Công an Thành phố Hà Nội), tạo thành hệ thống cơ quan tư pháp hoàn chỉnh, xử án xong có ngay địa điểm nhốt tù nhân kế bên.

Cựu tù Dương Tự Minh chia sẻ tại tọa đàm, chiều 10.7

 Tại chính phòng giam Hỏa Lò khi xưa, ông Dương Tự Minh kể lại với các đoàn viên Đoàn Thanh niên Tòa án Nhân dân Tối cao: “Năm 1949, khi đang là học sinh Trường Chu Văn An, tôi được giao nhiệm vụ in tài liệu, phân phát tài liệu, rải truyền đơn. Tuổi trẻ sôi nổi lắm, không biết sợ là gì. Tuy nhiên, sau đó, tôi và nhiều học sinh khác bị mật thám âm thầm theo dõi và ghi sổ đen. Hơn 100 người trong chúng tôi bị thực dân Pháp bắt, phải viết cam kết không được tham gia các hoạt động của Việt Minh. Do có nhiều đóng góp trong phong trào học sinh kháng chiến, cuối năm 1951, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc”.

Tháng 12.1952, ông Dương Tự Minh bị thực dân Pháp bắt vì tiếp tục tham gia hoạt động của Đoàn Học sinh kháng chiến Hà Nội. Sau hai tháng bị giam cầm, tra tấn tại Sở Mật thám Hà Nội, ông bị chuyển sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò với tấm thẻ tù VN 2017, khi đó ông mới 17 tuổi.

Ông Minh nhớ lại, lúc cầm tấm thẻ mang số VN 2017, ông thấy nó đã cũ, mặt sau có vết lõm, nên tự hỏi: “Không biết trước mình ai đã mang tấm thẻ này, người đó giờ còn sống hay đã chết?”. Với ông, dù người từng mang tấm thẻ này sống hay chết thì họ cũng đã vào chốn này, đã là đồng đội của mình, ông phải đối phó để bảo toàn bí mật, không để lại điều tiếng gì tủi hổ với người đi trước.

Hôm sau, khi bị gọi lên lấy cung, tên Tây lai đánh phủ đầu Dương Tự Minh túi bụi, nhưng ông quyết không khai nhận, kể cả khi ông bị kẹp dây vào hai tai quay điện, đau đớn và choáng váng…

Tấm thẻ tù VN 2017 - Ảnh TL

 “Nhựa sống” trong lao tù

Sau khi ra tù ít lâu, Dương Tự Minh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Lúc này, ông là một trong những thành viên tham gia tích cực vào việc tổ chức in và phát báo “Nhựa sống”, một tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội. Nội dung báo “Nhựa sống” kêu gọi các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên đoàn kết, tin tưởng ở Cách mạng Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đấu tranh của sinh viên thế giới. Báo “Nhựa sống” được in ở nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có một điểm in tại 98A Hàng Bông, nhà ông Minh.

Câu chuyện trong lao tù luôn là những bài học quý báu cho thế hệ trẻ  
 
Ông Minh kể: “Sau khi in xong, chúng tôi tổ chức đem phát cho các đối tượng cần tuyên truyền. Thí dụ như học sinh chúng tôi khi đi học thường cho báo vào cặp, đến khi ra chơi thì lén đặt vào ngăn bàn các bạn trong lớp”. Sức tuyên truyền của tờ báo “Nhựa sống” có sự lôi cuốn mạnh trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên, khiến kẻ địch rất hoang mang, tổ chức triệt phá tờ báo. Vào tháng 10.1952, cơ sở in tại 98A Hàng Bông bị lộ, nhưng khi địch đến chỉ thu được một số báo “Nhựa sống” và ít tài liệu tuyên truyền. Lúc đó Dương Tự Minh đang đi học, địch đã đến trường Chu Văn An để bắt ông. Rồi triền miên nhiều lần tra hỏi về việc ông tham gia in và phát báo “Nhựa sống” thế nào, còn hoạt động cách mạng ở những lĩnh vực gì… Nhưng Dương Tự Minh nhất quyết không khai.
Ông Dương Tự Minh (người vẫy tay) tại Đại hội Thanh niên và Sinh viên Thế giới năm 1955 - Ảnh: TL

 Trong khi đó, bên ngoài tờ báo “Nhựa sống” vẫn tiếp tục được in, đấu tranh cho những học sinh bị địch bắt, tù đày. Trước tình hình đó, sau gần một năm giam giữ, địch muốn đưa ông Minh và 3 đồng đội ra tòa để xử thật nặng nên gửi hồ sơ lên cấp trên xin ý kiến. Tuy nhiên, chính quyền thực dân thấy khó kết tội nặng nên chỉ thị để ông Minh cùng 3 đồng đội được tạm tha, cho tại ngoại.

Ngay khi ra tù năm 1953, ông Dương Tự Minh được đưa về căn cứ bí mật của Thành Đoàn Hà Nội, rồi nhận nhiệm vụ trở lại nội thành hoạt động. Lúc này, ông thoát ly gia đình, hoạt động bí mật dưới tên khác. Sau giải phóng Thủ đô, Dương Tự Minh trở lại trường Chu Văn An học tiếp trung học, trở thành Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc của trường. Năm 1955, ông vinh dự là đại diện cho học sinh vùng mới giải phóng đi dự Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới tại Ba Lan. Ông có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Năm 1987, sau hơn 30 năm hoạt động Đoàn, ông Dương Tự Minh chuyển sang công tác khác. Ông hiện là Phó Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò.

Hương Sen