Cắt giảm, đơn giản các thủ tục hải quan

- Thứ Tư, 22/07/2020, 15:20 - Chia sẻ
Để tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan, trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh theo hướng cắt giảm, đơn giản các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan.

Cắt giảm quy định không cần thiết

Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 30.6, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, với 198 thủ tục, gần 3,2 triệu bộ hồ sơ và trên 39,5 nghìn doanh nghiệp tham gia. Về cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã nhận được 234.953 C/O từ các nước ASEAN và có 424.270 C/O Việt Nam gửi sang các nước. Đến nay, Việt Nam đã triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu.

Thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp
Thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan cũng đang tích cực hoàn thiện Đề án Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng được Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh với việc tập trung xây dựng tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan; cung cấp gần 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 97,3% tổng số thu ngân sách của ngành Hải quan.

Trong 6 tháng cuối năm, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Trần Đức Hùng cho biết, ngành hải quan sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để đơn giản hóa bộ hồ sơ hải quan, cách thức nộp hồ sơ hải quan. Đặc biệt, sẽ bãi bỏ quy định nộp các chứng từ không cần thiết, các chứng từ đã có trên Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành hoặc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; hạn chế việc nộp các chứng từ dưới dạng bản chính là bản giấy; chỉ yêu cầu nộp, xuất trình lần đầu đối với các chứng từ phải xuất trình cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng sẽ cắt giảm, đơn giản hóa các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan như không yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến nếu đã thực hiện được trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; rà soát, bãi bỏ việc đề xuất và phê duyệt miễn thuế trong thông quan đối với từng tờ khai hải quan của loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu trong quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế; đơn giản hóa việc bàn giao hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan trong trường hợp việc bàn giao được thực hiện trong cùng một chi cục hải quan trên cơ sở bảo đảm quản lý chặt chẽ, phù hợp với đặc thù địa bàn quản lý của chi cục.

Ngoài ra, để rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa, Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị như máy soi container, thiết bị giám sát hành trình, niêm phong điện tử, thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng, an toàn thực phẩm để hỗ trợ công chức trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ giám sát, kiểm tra thực tế hàng hóa; cắt giảm các trường hợp phải lấy mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn.

Tạo thuận lợi thương mại

Để triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan Trần Đức Hùng cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ trong các Hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đơn cử, đề xuất triển khai cơ chế cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ dưới dạng dữ liệu điện tử bảo đảm tính liên thông giữa cơ quan cấp của nước xuất khẩu với cơ quan Hải quan nước nhập khẩu trong quá trình tham gia đàm phán hoặc tại các cuộc họp thường kỳ song phương, đa phương. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán và triển khai cơ chế thừa nhận kết quả kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật giữa các quốc gia trên cơ sở tuân thủ các nội dung cam kết của Hiệp định.

Lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng cho biết, một giải pháp quan trọng tiếp tục được Tổng cục Hải quan triển khai là đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ, chính sách, văn bản pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp bảo đảm quá trình thực thi hiệu quả. Mặt khác, thực hiện thống nhất mã số HS hàng hóa xuất nhập khẩu (danh mục hàng hóa, mã hồ sơ) phù hợp với các nước khác, nhất là khối EU để giảm bớt khó khăn khi áp mã thuế, bảo đảm kiểm soát được việc kê khai thống nhất.

Vân Phi