Cắt giảm chương trình nhưng phải đảm bảo chất lượng đào tạo

- Thứ Bảy, 21/03/2020, 11:23 - Chia sẻ
Cắt giảm, tinh giản chương trình học là cần thiết trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19, tuy nhiên, nhiều ý kiến khẳng định, cắt giảm chương trình không được cơ học mà vẫn phải đảm bảo chất lượng đào tạo.

Để học sinh vẫn có nghỉ hè

 “Yêu cầu giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học” là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hàng triệu học sinh, sinh viên cả nước đã nghỉ học tới 6-7 tuần do dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực của các nhà giáo. Cô Hoàng Yến, giáo viên Tiếng Anh cho biết, tất cả các thầy cô giáo chúng tôi đều rất vui mừng với quyết định sáng suốt của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt, với các em học sinh cuối cấp, khi kỳ thi đến gần mà vẫn phải tiếp tục thực hiện kế hoạch tất cả các môn học là điều bất khả thi. Cùng với đó, cô giáo Nguyễn Lệ Anh, giáo viên Toán cho rằng, chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ đưa ra rất đúng lúc, vì nếu nghỉ 3-4 tuần thì chưa thực sự cần thiết phải cắt giảm, nhưng nếu đã kéo dài 6-7 tuần, thậm chí, chưa biết bao giờ tình hình dịch bệnh mới hết, trường học mới an toàn để học sinh đi học trở lại thì việc tinh giảm chương trình học hiện hành lúc này là vô cùng cần thiết. 

Không chỉ nhận được sự đồng tình của thầy cô giáo mà nhiều phụ huynh học sinh cũng cho rằng, nghỉ hè là thời gian quan trọng đối với tuổi học trò, đó là dịp các con sống và trải nghiệm môi trường thực tế mà hàng ngày môi trường giáo dục trong các trường học không thể đáp ứng hết. Cùng với đó, thời gian qua, học sinh được nghỉ nhưng các con không có không gian để hoạt động ngoại trời. Do đó, chị Nguyễn Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, “không thể kéo dài thời gian cứng nhắc cơ học để bảo đảm chương trình mà mất hè của học sinh. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì nên chắt lọc những kiến thức quan trọng và trọng tâm để truyền tải, nội dung chương trình nào trùng lắp hoặc không quan trọng cần bỏ qua để các con không mất kỳ nghỉ hè”.

Trước đó khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nhà giáo đã có tâm thư gửi lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc giảm môn thi thứ 4 vào lớp 10, không tổ chức thi các môn tổ hợp trong nội dung Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020... Cũng tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương vẫn chưa thể cho học sinh đến trường. Bộ GD-ĐT cũng đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020. Để củng cố kiến thức cho học sinh các trường đã phải tính đến phương án dạy và học online hoặc qua truyền hình… Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh… nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả.

Duy trì học trực tuyến để đảm bảo kiến thức

Liên quan cách thức thi THPT quốc gia năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19. Bộ GD-ĐT cho biết, Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019, tuy nhiên, Bộ GD- ĐT sẽ nghiên cứu giảm tải nội dung ôn tập và sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020 làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập; do vậy giáo viên và học sinh không quá lo lắng.

Cắt giảm chương trình môn học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp là việc cần thiết. Tuy nhiên, cắt giảm chương trình không có nghĩa là giảm chất lượng đào tạo. Theo Giám đốc Trung tâm phát triển nghiệp vụ sư phạm (ĐH Sư Phạm Hà Nội) Trần Bá Trình, Bộ GD-ĐT cần lựa chọn nội dung cốt lõi để trang bị cho người học, cũng dựa trên nội dung cốt lõi đó, người học có thể tự học thông qua sách vở, qua các hình thức học trực tuyến hoặc trên truyền hình... “Tinh giảm chương trình học nhưng vẫn nên duy trì học trực tuyến để thời gian học còn lại dù không nhiều nhưng vẫn đảm bảo nội dung kiến thức”, ông Trình nói.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cho rằng, không nên cắt giảm môn học hay chương trình học một cách cơ học, ví dụ, trong mỗi môn học thì nên giản lược lại những phần liên quan đến rèn luyện kỹ năng môn học, “Tất nhiên việc này cũng làm ảnh hưởng chút ít đến chất lượng đào tạo, nhưng theo tinh thần giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học của Thủ tướng Chính phủ thì như vậy sẽ ít ảnh hưởng chất lượng đào tạo nhất”, ông Khang nói. 

Liên quan đến việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các vụ chức năng rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình theo hướng đảm bảo chất lượng; hướng vào những nội dung không thật sự cần thiết. Theo đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành khẳng định, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lên phương án cho việc cắt giảm chương trình, đặc biệt, không thể làm một cách cơ học mà phải có rà soát và phương án cụ thể, làm sao để vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng.

Theo ông Thành, sẽ có 2 giải pháp cho việc giảm tải. Thứ nhất là tinh giản chương trình, tức là sẽ cụ thể hóa Văn bản 4612 về hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh và hướng dẫn giảm tải từ năm 2011. Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung trong văn bản đó như thế nào, để đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc, chứ không phải phụ thuộc vào từng trường như trước kia. Giải pháp thứ hai là tăng cường hướng dẫn dạy học và công nhận kết quả học từ xa. “Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn chung nhưng sắp tới sẽ phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn việc dạy học qua internet và truyền hình ra sao, xây dựng kế hoạch dạy học ra sao, giáo viên, tài liệu dạy học thế nào để đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Theo dõi được việc học của học sinh, chỉ như vậy thì việc kiểm tra, đánh giá ghi nhận kết quả học tập mới đạt được”, ông Thành nói.

Cùng với đó, ông Thành cũng khẳng định, trong tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án giảm tải để các nhà trường điều chỉnh nội dung giảng dạy.

Khải Minh